Ngân hàng sợ bán đôla cho doanh nghiệp

Nhà nhập khẩu kêu than vì gõ cửa khắp nơi không mua nổi ngoại tệ. Nhưng với ngân hàng, đào đâu ra tiền để bán và bán thế nào không lỗ lại là điều chẳng đơn giản. Thị trường tiếp tục căng thẳng, tỷ giá âm thầm nhảy múa.

Suốt từ tháng 2 đến nay, kế toán của các doanh nghiệp nhập khẩu đã quá quen với cảnh “xếp hàng” mua đôla Mỹ và thì thụp trả phí đỏ phí đen để có được vài đồng thanh toán cho đối tác nước ngoài. Chuyện mua với giá cao hơn niêm yết khá phổ biến, song suy đi tính lại, giá trong ngân hàng vẫn rẻ hơn chợ đen vài chục đồng mỗi đôla, nên doanh nghiệp đành chấp nhận.

 

Ngay như sáng nay, sau khi Ngân hàng Nhà nước phát đi thông điệp nguồn ngoại tệ của Việt Nam đủ đáp ứng những nhu cầu cần thiết, thị trường vẫn chưa chịu hạ nhiệt. Sau một vòng khảo giá ở các ngân hàng cổ phần, giám đốc một doanh nghiệp TP HCM cho biết VnExpress.net biết phí mua đôla sáng nay thậm chí còn căng hơn mấy ngày trước, phổ biến từ 450 đến 580 đồng, tương đương 2,5-3,3% chênh lệch so với mức niêm yết 17.806 đồng. Thị trường tự do sáng nay cũng ăn theo ngân hàng, đẩy giá giao dịch lên sát ngưỡng 18.500 đồng.

 

Đáng chú ý, theo vị giám đốc này, từ sáng nay ngân hàng chỉ cho phép đưa tối đa 1,7% vào hóa đơn, phần còn lại tính vòng vèo qua các khoản khác. Trước đây, nếu là chỗ quen biết, ngân hàng linh động đưa toàn bộ phần phí đó vào hóa đơn đỏ, tạo điều kiện để doanh nghiệp hạch toán chi phí hợp lý khi quyết toán thuế cuối năm.

 

Nhưng mua được trong ngân hàng đã là may. Nhiều doanh nghiệp và tiểu thương không gõ được cửa nào đành tìm đường ra chợ đen. Giá bán sáng nay ở các cửa hàng Hà Nội, hay TP HCM có lúc chạm 18.500 đồng, cao hơn mấy ngày trước gần 100 đồng.

 

Tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố hôm nay là 16.958 đồng, nhích thêm 3 đồng so với hôm qua. Ngân hàng thương mại đồng loạt niêm yết giá trần 17.806 đồng cho cả 3 loại giao dịch mua vào, bán ra và chuyển khoản, một dấu hiệu cho thấy căng thẳng ngoại tệ vẫn ở đỉnh điểm.

 

“Chúng tôi khổ lắm chứ. Doanh nghiệp có đôla thì chạy sang ngân hàng cổ phần để bán, hoặc gửi tiết kiệm. Nhưng khi cần, họ lại chạy tới chỗ chúng tôi để hỏi mua. Chúng tôi lấy đâu nguồn mà bán? Nói thật, ngay cả khi có tiền chúng tôi và ngay cả ngân hàng cổ phần đều sợ bán cho doanh nghiệp trong nước“, lãnh đạo một ngân hàng thương mại quy mô lớn ấm ức. Tiền không tự in ra, mua được chút nào thì toàn giá cao, không lẽ phải chịu lỗ bán lại cho doanh nghiệp. Mà cộng thêm chút phí, doanh nghiệp lập tức ì xèo kêu chỗ nọ, chỗ kia hoặc “mách” với báo chí.

 

“Có những anh làm liều, bán qua đường thương mại cho ngân hàng nước ngoài hoặc ưu tiên bán cho doanh nghiệp có vốn nước ngoài. Như thế sướng hơn, giá cao mà chẳng lo bị phàn nàn”, ông nói thêm.

 

Gần đây, ngân hàng của ông chỉ mua được vài trăm, thậm chí vài chục nghìn đôla mỗi ngày. Cuối năm ngoái, khi thị trường sôi sùng sục vì nhu cầu mua gom tăng đột biến, ông từng tuyên bố có thừa ngoại tệ để bán. Doanh số mua bán khi đó lên tới cả trăm triệu USD mỗi ngày.

 

Có hai cách hành xử phổ biến những ngày này. Nếu sợ đoàn thanh tra của Ngân hàng Nhà nước phát hiện, ngân hàng chọn cách án binh bất động, chẳng bán cho ai. Nếu không sợ, vẫn bán thì cộng thêm chi phí bằng nhiều cách khác nhau. Vài nơi khôn khéo dàn xếp bên cần mua gặp gỡ trực tiếp bên có đôla, để họ tự thương lượng giá cả, ngân hàng đứng giữa hưởng hoa hồng.

 

Tổng giám đốc Ngân hàng cổ phần Liên Việt Nguyễn Đức Hưởng cho biết những ngày này chủ yếu đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu và vài mặt hàng thiết yếu khác. Ngoại tệ bán cho doanh nghiệp xăng dầu chủ yếu được cung ứng từ nguồn Chính phủ.

 

Ngân hàng Nhà nước hôm nay xác nhận thị trường ngoại tệ vẫn căng thẳng. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu găm giữ, không bán ngoại tệ nên ngân hàng thương mại không đủ nguồn để điều hoà cho nền kinh tế. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước tỏ thái độ cương quyết đối với chuyện thu phí giao dịch hối đoái cũng như mua bán đôla với tỷ giá ngoài biên độ cho phép.

 

“Tôi đã khuyến cáo tổng giám đốc các ngân hàng thương mại rà soát trong hệ thống của mình, xem có trường hợp nào lợi dụng tình hình thị trường căng thẳng để thu phí, bán giá vượt trần kiếm lợi bất chính. Ngân hàng Nhà nước sẽ mạnh tay hơn nữa với những trường hợp vi phạm”, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu tuyên bố.

 

Trong năm 2008, Ngân hàng Nhà nước đã phải 4 lần điều chỉnh nới biên độ. Và đến 23/3/2009, cơ quan này quyết định nới biên độ tỷ giá từ 3% lên 5%. Nếu tính từ 01/7/2002, lần đầu tiên VN thực hiện nới biên độ tỷ giá VND/USD từ 0,1 lên 0,25, đến nay VN đã có 7 lần nới biên độ.

 

Song Linh – Phương Trang

 

Bài viết liên quan


Các ông lớn ngân hàng bắt tay kìm lãi suất USD

Doanh nghiệp bóp bụng mua USD giá cao
Tỷ giá đôla vượt mốc 18.000 đồng Ngân hàng thừa đôla, giá chợ đen vẫn tăng cao

Nguồn: viencanh.com Ngân hàng sợ bán đôla cho doanh nghiệp

Bình luận về bài viết này