Phố Wall đổ nhào do lo ngại về thị trường việc làm

Cả ba chỉ số chính rơi với biên độ 2,5%, thanh khoản sụt giảm nghiêm trọng, sau khi có tin tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tháng 6 leo lên mức cao nhất trong 26 năm. Chứng khoán châu Âu cũng trượt dốc mạnh nhất trong hơn 2 tuần.

“Điều xấu xa nhất đã lộ ra”, Jack Ablin – Giám đốc bộ phận đầu tư của ngân hàng lớn nhất bang Chicago Harris Private Bank phát biểu. Tỷ lệ thất nghiệp đóng vai trò quyết định đối với nền kinh tế, cho thấy một quốc gia đang trên đà phục hồi hay suy thoái. Kỳ vọng vào sự phục hồi của kinh tế Mỹ đã hoàn toàn sụp đổ sau thông tin này. Tâm lý hoang mạng liệu đâu sẽ là đáy của cuộc khủng hoảng và lo sợ về kịch bản của những cuộc đại suy thoái của thế kỷ 20 lặp lại.

 

Trên thị trường New York, cứ 14 mã cổ phiếu trượt giá mới có 1 mã tăng – biên độ rộng nhất kể từ khi thị trường chứng khoán chạm đáy hồi đầu tháng 3. Chỉ số Dow Jones Industrial mất 223,32 điểm, tương ứng 2,6%, xuống ngưỡng 8.280,74 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite hạ 2,7%, chốt tại 1.796,52 điểm. Standard & Poor 500 dẫn đầu đà sụt giảm toàn thị trường với biên độ 2,9%, đóng cửa tại 896,42 điểm, kéo chỉ số này xuống ngưỡng âm 5,3% so với ngày 12/6 và xóa đi tất cả những thành quả đã ghi được trong nửa đầu năm 2009. Tính thanh khoản thị trường phiên này sụt giảm trầm trọng, xuống mức thấp nhất trong năm, chỉ với 734 triệu cổ phiếu sang tay.

 

Phát biểu trên kênh truyền hình CNBC, học giả và cũng là nhà kinh tế Nassim Taleb (tác giả cuốn sách nổi tiếng về sự vận hành của nền kinh tế và hệ thống tài chính Mỹ “Thiên nga đen”) cho rằng: “Nước Mỹ đang ở giữa giai đoạn của sự đổ vỡ chứ chưa chạm đáy, và nếu tôi có thể dự đoán về những điều còn xảy ra phía trước, thì nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ vẫn trở nên tồi hơn chứ không khả quan như nhiều nhà kinh tế học khác nhận định trước đó”.

 

Sự cố hy hữu đã xảy ra trên sàn chứng khoán NYSE khi bảng điện tử bị treo và phải ngừng giao dịch trong 15 phút cuối ngày. Chứng khoán Mỹ sẽ mở cửa giao dịch vào thứ 2 đầu tuần tới. Phiên 3/7 đóng cửa nhân ngày lễ Độc lập

 

Tuần qua, giao dịch vọn vẹn 4 ngày trong tuần, phố Wall đã trải qua 2 phiên sụt dốc mạnh đan xen giữa 2 phiên tăng nhẹ. Chung cuộc, chỉ số Dow giảm 1,9%, Nasdaq hạ 2,3%, trong khi đó S&P lùi 2,5% so với phiên cuối tuần trước. Đây là tuần giảm điểm thứ 3 liên tiếp của chứng khoán Mỹ

 

Chứng khoán châu Âu hòa nhịp theo đà trượt dốc của phố Wall. Thị trường cổ phiếu Eurozone rung lắc mạnh trong ngày Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) quyết định vẫn duy trì mức lãi suất đồng Euro thấp kỷ lục 1%, kèm theo kế hoạch mua lại khoảng 8% số trái phiếu đang lưu hành bắt đầu từ tuần tới.

 

Theo tin từ Cơ quan thống kê Ủy ban châu Âu, 10 năm tăng trưởng việc làm tại Eurozone đã tan thành mây khói khi số lượng người bị sa thải tiếp tục leo thang trong tháng 5, nâng tỷ lệ thất nghiệp lên 9,5% – cao nhất kể từ năm 1999.

 

Chỉ số chứng khoán của 18 thị trường cổ phiếu châu Âu DJ Stoxx 600 trượt dốc 2,6%, xuống 204,12 điểm. Giao dịch ảm đạm với gần như tất cả các cổ phiếu rơi vào sắc đỏ. Tại London, chỉ số FTSE 100 giảm 2,5%, trong khi đó, tại Rome, chỉ số MIB Index cũng bốc hơi 2,6% giá trị. Chứng khoán Pháp và Đức chịu mức điều chỉnh sâu với biên độ lần lượt giảm 3,1% và 3,8%.

 

Giới đầu tư châu Á thận trọng về đà phục hồi của thị trường cổ phiếu. Theo nhận định của Mitsushige Akino – giám đốc quỹ đầu tư Ichiyoshi Investment, “Nhà đầu tư đang cảm nhận được sự chuyển biến tích cực của kinh tế toàn cầu, song viễn cảnh mù mịt về những thách thức thực sự còn phía trước, đã khiến họ không thể dốc thêm tiền vào những câu chuyện phục hồi mạo hiểm”

 

Chốt phiên, chỉ số tổng hợp 23 sàn chứng khoán châu Á MSCI tiếp tục lùi thêm 0,4% giá trị, xuống 102,78 điểm. Đây là phiên điều chỉnh giảm thứ 3 trong 4 ngày giao dịch của tuần. Tuy nhiên, tỷ lệ giữa số cổ phiếu giảm và tăng giá đã được thu hẹp xuống 5:4.

 

Tại Tokyo, sự trượt dốc của cổ phiếu các nhà sản xuất xe hơi và ngân hàng cũng như làn sóng chốt lãi của nhà đầu tư sau những phiên tăng nóng trước đó, đã khiến chỉ số Nikkei 225 bốc hơi 63,78 điểm (0,6%), xuống chốt tại 9.876,15 điểm.

 

Xu thế mất điểm diễn ra trên diện rộng, khi có 5 trong số 8 thị trường chủ chốt rơi vào sắc đỏ. Hàn thử biểu Straits Times của Singapore và Hang Seng Index của Hong Kong lần lượt chịu mức hạ 1,6% và 1,1% giá trị. Chứng khoán Hàn Quốc mất điểm nhẹ dưới 0,1%.

 

Đi ngược với xu thế chung, chứng khoán Trung Quốc đại lục và Đài Loan tiếp tục thăng hoa phiên thứ 2 liên tiếp. Chỉ số Shanghai Composite bùng nổ với 1,7% giá trị tích lũy thêm – biên độ tăng theo ngày tốt nhất trong hơn 1 tháng, trong khi đó, Taiwan Weighted cũng bứt phá 1,4% – đánh dấu phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp. Tại Sydney, bảng điện tử S&P ASX 200 nhích nhẹ 0,1%.

 

Nguyễn Hùng (theo Bloomberg, CNBC)

 

Bài viết liên quan

Chứng khoán thế giới diễn biến trái chiều Sóng gió tạm qua trên thị trường chứng khoán thế giới Phố Wall khép lại quý giao dịch bùng nổ nhất trong 11 năm Chứng khoán châu Á thăng hoa

Nguồn: viencanh.com Phố Wall đổ nhào do lo ngại về thị trường việc làm

Bình luận về bài viết này