Xem Phía sau những dự án tỷ đô

Xem Phía sau những dự án tỷ đôHơn 70 tỷ USD vốn FDI cấp mới trong năm 2008, nhưng chỉ có 4 tỷ USD giải ngân trong sáu tháng đầu năm nay. Nhiều dự án hàng tỷ đôla vẫn đang nằm “treo”, chờ giải phóng mặt bằng.

Cách đây hai năm, các quan chức trong hệ thống cấp phép của Thanh Hoá đã đón tiếp trọng thể ông Yang Wu Sung, đại diện tập đoàn người Eminence, người hứa sẽ đầu tư một tổ hợp gang thép tới 30 tỷ USD vào khu Nghi Sơn (Thanh Hóa). Nhưng rốt cuộc, “ngài Chủ tịch” đã lặng lẽ rời khỏi Việt Nam để lại giấc mơ dang dở cho các quan chức đó.

Câu chuyện trên khiến nhiều người bật cười nhưng với ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam điều này thật đáng quan ngại. Ngành thép đang đón hàng chục các dự án quy mô hàng tỷ USD như Tycoon Worldwide Group, TATA Steel, Lion Group, FRRO China… Theo ông Cường, nhu cầu thép của năm nay khoảng 8 triệu tấn, trong khi sản lượng hiện có của các nhà máy đã gấp ba lần. “Cấp phép thế thì chết cả. Nhiều nhà máy đang chỉ chạy với 50% công suất. Tình trạng thừa mứa trong ngành thép nghiêm trọng đến nỗi tháng 3 vừa rồi, Thủ tướng đã phải yêu cầu dừng xem xét việc cấp phép tới 32 dự án thép”, ông Cường nói.

Một dự án treo tại tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: TBKTVN
Một dự án treo tại tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: TBKTVN.

Kể từ khi xuất hiện làn sóng FDI thứ hai và phân cấp cấp phép triệt để cho chính quyền địa phương từ cuối năm 2006, nhiều dự án quy mô hàng tỷ USD dễ dàng vào Việt Nam nhưng vẫn chưa được triển khai. Nhà máy giấy Lee & Man với vốn đầu tư lên tới 1,2 tỷ đôla ở Hậu Giang khởi công cuối năm 2007 nhưng đến nay mặt bằng xây dựng nhà máy vẫn còn ngổn ngang. Dự án Tây Hồ Tây trị giá hàng trăm triệu USD cấp phép năm 2006 đến nay chưa giải phóng xong mặt bằng.

Bùng nổ FDI giúp tạo dựng hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế. Cục trưởng Đầu tư nước ngoài Phan Hữu Thắng cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa kiến nghị thu hồi bất kỳ dự án FDI nào trong đợt rà soát hiện tại. Ông Thắng thú nhận, “Nói rất thực, nó cũng vướng nhiều thủ tục liên quan. Dự án họ đã đầu tư vài triệu rồi, không phải dễ dàng gì để rút nhanh giấy phép. Chúng tôi cũng rất kiên quyết, nhưng quản lý vĩ mô cũng phải hài hòa”.

Gần đây, Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Tài đã đồng ý cùng với cục Đầu tư tổ chức một buổi đối thoại với đại diện của 38 chủ dự án FDI quy mô lớn đang “đặc biệt chậm trễ” vào cuối năm nay. Tuy nhiên, ông Thắng thừa nhận, thật khó mà cưỡng lại được các dự án tỷ đô dù nền kinh tế chỉ có năng lực hấp thụ 10 tỷ USD mỗi năm. Năng lực này chỉ tăng khoảng 10% – 12% một năm. “Nếu cứ nhận tiếp lên gần 72 tỷ USD như năm ngoái cũng không để làm gì, vì khả năng chúng ta chỉ như vậy thôi”, ông Thắng nói:

(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)

 

Bài viết liên quan


‘Việt Nam tăng trưởng lớn mà không mạnh’
Vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục giảm
10 dự án FDI lớn nhất năm 2008

Piaggio khánh thành nhà máy đầu tiên tại Việt Nam

Nguồn: viencanh.com Phía sau những dự án tỷ đô

Bình luận về bài viết này