Xem Ngân hàng tung chiêu ‘câu’ khách

Xem Ngân hàng tung chiêu 'câu' kháchĐể thu hút tiền nhàn rỗi trong dân cư, nhiều ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động từ 0,1 đến 0,9% đối với từng kỳ hạn, kèm theo đó là các chiêu khuyến mãi khác nhau.

Kể từ khoảng đầu tháng 5, nhiều ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động, đặc biệt lãi suất tăng mạnh trong kỳ dài, trung hạn và thường cao ngất ở kỳ hạn 36 tháng. Theo biểu lãi suất mới, ngân hàng Westen Bank tăng lãi suất lên từ 0,1% đến 0,7%. Maritime Bank cũng tung mức lãi suất tiết kiệm linh hoạt cho các gói tiền từ 200 triệu đến trên 1tỷ đồng. Đối với kỳ hạn 36 tháng, Westen Bank và Maritime Bank cùng đạt ngưỡng 9,5%. Tiếp đến, ngân hàng thương mại cổ phần Bắc Á nâng mức lãi suất lên tới 9,3% với kỳ hạn 24 tháng. Riêng kỳ hạn 12 tháng, với hình thức lĩnh lãi hàng tháng, hàng quý hoặc cuối kỳ, mức lãi suất lần lượt là 8,15%; 8,30% và 8,7%.

Ảnh Hoàng Hà
Lãi suất “đỉnh” nhất đang thuộc về ngân hàng An Bình với mức 9,7% một năm. Ảnh Hoàng Hà.

Không chịu thua kém, SHB đưa ra lãi suất 9,3% với kỳ hạn 36 tháng kèm cộng thưởng lãi suất 0,25% đối với sản phẩm tiết kiệm siêu hấp dẫn 3+. Trong cuộc chạy đua giành giật khách hàng, lãi suất “đỉnh” nhất đang thuộc về ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (Abbank) với mức tăng 0,1-0,9% mỗi năm. Trong kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động là 8,7%. Tuy nhiên, đối với các kỳ hạn dài và số tiền lớn sau khi cộng hết các lãi suất ưu tiên được hưởng, lãi suất tiết kiệm có thể lên tới 9,7%.

Không dừng lại ở đó, các ngân hàng đua nhau tung “chiêu” khuyến mãi hút khách hàng. Maritimebank áp dụng chương trình “cào trúng ngay, quà trao tay” với hơn 100.000 thẻ cào với các phần thưởng động viên khách hàng. Ngân hàng OceanBank cũng chính thức triển khai chương trình tiết kiệm dự thưởng “Khám phá vận may cùng OceanBank” với cơ cấu giải thưởng lên tới hơn 500 triệu đồng kèm theo các tài sản có giá trị khác như xe máy Honda Lead thời trang, laptop thế hệ mới, tivi LCD hiện đại…

Các chuyên gia kinh tế cho rằng ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất để đáp ứng như cầu cạnh tranh của thị trường và thu hút khách hàng. Bởi trên thực tế, nền kinh tế được dự đoán dần bình ổn, chứng khoán, vàng đang là kênh đầu tư “nóng”. Chính vì vậy, ngân hàng buộc phải “câu” khách bằng cách đẩy lãi suất tiết kiệm lên cao.

Mỗi ngân hàng đều có chiến thuật riêng để đảm bảo lợi nhuận nhất định. Mức lãi suất huy động tăng nhiều hay ít phụ thuộc cơ cấu vốn của ngân hàng. Trước đây, dưới sức ép lạm phát, các ngân hàng phải thu hút vốn bằng mọi giá kể cả trong trường hợp lãi suất cao ở kỳ hạn ngắn, thấp ở kỳ hạn dài. Hiện tại, giai đoạn khó khăn này đã qua. Các ngân hàng ồ ạt tăng lãi suất để “hút” khách và đón đầu mức tăng của lãi suất cơ bản Ngân hàng Nhà ước đưa ra.

Ông Trần Khắc Chiến, Trưởng phòng Phát triển Sản phẩm hội sở ngân hàng SHB cho rằng, việc lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên ở mức 7% kể từ 1/6 sẽ khiến nhiều ngân hàng phải cân nhắc lại. Ông Chiến phân tích, với lãi suất cơ bản không thay đổi, đầu ra đã bị giới hạn 10,5%. Nếu lãi suất huy động đạt suýt soát mức trần, chênh lệch lãi suất giữa cho vay và huy động quá thấp, khả năng ngân hàng gặp rủi ro sẽ cao. Bởi lãi suất huy động dù cao vẫn phải đảm bảo lợi nhuận của ngân hàng.

Theo ông Chiến, trên thực tế, các ngân hàng sẽ bù lãi suất bằng các chiến thuật riêng như đẩy mạnh cho vay tiêu dùng hoặc tìm kiếm các kênh đầu tư khác. “Cho vay tiêu dùng không bị giới hạn trần lãi suất, các ngân hàng có thể tập trung kế hoạch sử dụng vốn cho vay tiêu dùng lớn để bù lãi. Lãi suất thỏa thuận càng cao, ngân hàng càng thu lợi”, ông Chiến nói.

Trao đổi với VnExpress.net, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, sở dĩ có hiện tượng đồng loạt tăng lãi suất còn bởi ngân hàng muốn tham gia vào gói kích cầu để hưởng các chính sách hỗ trợ khác. Ngoài ra, các ngân hàng vẫn thiếu vốn đặc biệt ở mức trung và dài hạn. “Lãi suất huy động cao chủ yếu tập trung ở khoảng trung và dài hạn. Điều này sẽ giúp các ngân hàng giải quyết vấn đề vốn”, ông Phong nói.

Tính riêng trong tháng 4, giá dầu đã tăng trở lại, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 0,35%, chỉ số giá vàng của cả nước tăng 1,4% và chỉ số giá USD tăng 1,25% so với tháng 3. Nhiều người lo ngại khả năng lạm phát là điều khó tránh. “Tăng lãi suất có thể thúc đẩy tính thanh khỏan trong giao dịch ngân hàng. Tôi cho rằng, lãi suất ngân hàng có thể tiếp tục tăng, vượt ngưỡng 9,7% trong thời gian tới”, ông Phong nhận định.

Hoàng Lan

 

Bài viết liên quan


Không giảm lãi suất cơ bản
Lãi suất tiết kiệm bất ngờ dâng cao trở lại
Kích cầu tiêu dùng vẫn bị bỏ ngỏ

Tăng tính chủ động cho Ngân hàng trung ương

Nguồn: viencanh.com Ngân hàng tung chiêu ‘câu’ khách

Bình luận về bài viết này