Xem tin Tăng đầu tư để thoát khủng hoảng

Xem tin Tăng đầu tư để thoát khủng hoảng“Để thoát khỏi khủng hoảng, các quốc gia cần phải tăng cường đầu tư. Đây là vấn đề cơ bản của việc hồi phục chỉ số GDP, hồi phục phải dựa vào thặng dư thương mại”, người đoạt giải Nobel kinh tế 2008 Paul Krugman khẳng định.

Tại buổi đối thoại với hơn 700 doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế tại TP HCM về “Tìm kiếm cơ hội và giải pháp trong khó khăn và khủng hoảng” diễn ra ngày 21/5, Paul Krugman cho biết, trong tình hình kinh tế suy thoái, người dân các nước tăng cường thắt chặt chi tiêu khiến các khoản tiết kiệm trở nên phình to ra. Các chính phủ cần có cách giải phóng nguồn tiền này để vực dậy nền kinh tế.

Theo Paul Krugman, các chính phủ cần tìm cách giải phóng nguồn tiền tiết kiệm trong dân phục vụ mục đích đầu tư mang lại giá trị cao. Ảnh tư liệu.

Các quốc gia đang phát triển từng đầu tư vào những lĩnh vực mà họ không nắm chắc đã dẫn đến những mất mát lớn. Đặc biệt khi khủng hoảng tài chínhsuy thoái kinh tế toàn cầu lan rộng thì tất cả các bên đều bị thiệt hại. Vì vậy, các thị trường mới trỗi dậy như Trung Quốc thay vì để tài sản tích lũy lệ thuộc vào kinh tế Mỹ và châu Âu, các nước cần tập trung nội lực của mình để xây dựng nhà cửa, cơ sở hạ tầng, cải thiện an sinh xã hội.

Những tín hiệu lạc quan hướng nền kinh tế thế giới đang dần bước ra khỏi cuộc suy thoái. “Đó có thể là tình hình xuất khẩu Trung Quốc và Hàn Quốc tăng nhẹ trong thời gian gần đây. Chỉ số sức mua toàn cầu đang được cải thiện cũng là một tín hiệu tốt. Tốc độ mất việc ở Mỹ đang chậm lại so với tháng trước, sản lượng hàng hóa giải phóng ở các cảng đang dần tốt lên”, nhà cảnh báo khủng hoảng đưa ra những liệt kê quan trọng.

Vấn đề lớn hiện nay là cần tăng cường kiểm soát hệ thống tài chính, phải có những yêu cầu chặt chẽ về dự trữ vốn và không được mở rộng quá trớn sang nhiều lĩnh vực. Bất cứ một định chế nào khi tham gia vào hệ thống tài chính đều phải tuân thủ những quy định. Tuy nhiên, trên thực tế, mức độ kiểm soát khó được thực hiện nghiệm ngặt.

“Mách nước” cho các công ty, doanh nghiệp tại Việt Nam cách nhìn nhận tình hình sắp tới của nền kinh tế đang diễn biến theo chiều hướng nào để từ đó có hướng đi đúng đắn, người đạt giải Nobel kinh tế 2008 đã có những chia sẻ hết sức quan trọng.

Đó là các nghiên cứu về mức độ tự tin của doanh nghiệp, kết quả khảo sát các quy trình cách thức mua bán, tình hình sản xuất. Diễn biến của nền kinh tế còn có thể được nhìn thấy trước qua mức độ sử dụng điện, việc thuê tàu biển, vận tải hàng hóa, cước phí vận chuyển. Vấn đề còn lại là những chỉ số này chính xác đến mức nào.

Ngoài ra, những công cụ khảo sát công nghệ cao cũng được sử dụng để nắm bắt những chuyển biến của nền kinh tế toàn cầu. Đơn cử như xem người dân tra cứu dữ liệu nào nhiều nhất trên các mạng thông tin, công cụ tìm kiếm như Google.

Ngày 22/5, Paul Krugman sẽ có buổi làm việc với các đại diện Chính phủ Việt Nam. Trước hàng loạt câu hỏi của các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế về nội dung buổi làm việc ngày mai, cha đẻ của thuyết thương mại mới đã “bật mí” một vài chi tiết. Đề cập đến các công cụ phái sinh tài chính được không ít chính phủ các nước sử dụng, đặc biệt là các quốc gia tại châu Á, Paul Krugman đưa ra cảnh báo: “Đừng bao giờ bơm tiền của Chính phủ vào những công cụ tài chính phái sinh nếu chưa hiểu hết về chúng. Chính phủ Việt Nam dĩ nhiên là nên tránh việc đầu tư vào những công cụ tài chính phái sinh đó”.

Chuyên gia kinh tế cũng đưa ra những gợi ý cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam trong việc chuyển từ nền kinh tế Nhà nước, kinh tế quốc doanh sang nền kinh tế phi tập trung. Trong đó việc tự do hóa luân chuyển tài chính rất cần sự thận trọng. Hệ thống chỉ cần đi chệch một bước là sẽ tạo ra những hậu quả khôn lường.

Paul Krugman, 55 tuổi, người Mỹ, giáo sư Đại học Princeton, đã giành giải thưởng Nobel kinh tế năm 2008 của Hàn lâm viện khoa học Thụy Điển với những đóng góp của ông trong việc đem các mô hình thương mại vào thực tiễn. Ông được biết tới như một chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế quốc tế, bao gồm cả lý thuyết thương mại, địa kinh tế và tài chính quốc tế.

Tần Vy

 

Bài viết liên quan


‘Suy thoái kinh tế thế giới có thể kéo dài hơn dự kiến’

Nhiều người Việt tin kinh tế sớm thoát suy thoái

‘Tôi giữ cách nhìn thận trọng về phục hồi kinh tế’

Muôn vẻ chống suy thoái trong nhóm G20

Nguồn: viencanh.com Tăng đầu tư để thoát khủng hoảng

Bình luận về bài viết này