Bài Nhà đầu tư nội đang dẫn dắt thị trường chứng khoán

Bài Nhà đầu tư nội đang dẫn dắt thị trường chứng khoánVn-Index ghi nhận phiên thứ 10 liên tiếp giá trị giao dịch trên 1.000 tỷ đồng, song lượng mua của nhà đầu tư nước ngoài có phiên chiếm chưa đến 10% tổng mức chuyển nhượng.

Tháng 5 ghi nhận không khí sôi động trên các sàn chứng khoán. Nhà đầu tư hồ hởi đến sàn từ sớm mỗi ngày để chia sẻ thông tin, bàn luận nên mua “con” nào cùng nụ cười thỏa mãn khi sở hữu được cổ phiếu ưng ý hoặc chốt lời thành công. Sự hưng phấn của thị trường không dừng lại ở một hai phiên mà kéo dài bền bỉ, khiến tổng lượng cổ phiếu sang tay từ đầu tháng 5 khá đều đặn, ở mức trên 40 triệu chứng khoán mỗi phiên, bất kể những phiên Vn-Index điều chỉnh. Con số nghìn tỷ giá trị giao dịch trên bảng điện tử cũng trở nên quen thuộc với nhà đầu tư.

Điểm khá đặc biệt, động thái mua bán của nhà đầu tư trong nước không còn rập khuôn theo khối ngoại. Phiên ngày 15/5, khối ngoại xả ra gấp 3 lần mua vào, với gần 6,8 triệu chứng khoán, trị giá 338 tỷ đồng. Trong khi đó, nhà đầu tư nội ào ạt gom hàng chính là tác nhân đẩy thanh khoản Vn-Index lên cao 52,7 triệu chứng khoán, bởi lượng mua của khối ngoại chỉ 2,3 triệu. Không hoảng sợ trước hành động bán tháo ấy, khối nội vẫn mạnh dạn ôm vào ở những phiên tiếp theo khiến thanh khoản duy trì đều đặn trên 50 triệu.

Giao dịch của nhà đầu tư trong nước thoát dần ảnh hưởng của khối ngoại. Ảnh: B.H.

Mạnh dần vào tháng 8 và lộ rõ hơn vào tháng 10/2008, khối ngoại miệt mài bán ròng. Tâm lý nhà đầu tư nội vốn quan sát động thái mua bán của khối ngoại để ra quyết định cũng hoảng sợ và xả hàng theo, góp phần kéo Vn-Index lùi gần 70% giá trị. Song, tình hình hiện tại đã khác hẳn.

12 phiên giao dịch từ đầu tháng 5 đã có 10 phiên khối ngoại mua ròng, nhưng nếu so sánh với tổng giá trị toàn thị trường, tỷ lệ này chưa đến 20%. Thậm chí ở các phiên ngày 12 và 15, tỷ lệ này không vượt 7%.

Theo ông Bùi Đức Thịnh, Giám đốc Phân tích và đầu tư Công ty chứng khoán Quốc tế Hoàng gia: “Mức 366-370 điểm vốn được xem là ngưỡng cản khó vượt qua, nhưng Vn-Index lại chinh phục ngưỡng này và thừa thắng xông lên đã vực dậy niềm tin nhà đầu tư”. Lực cầu nội đã và sẽ sung sức, bởi theo ông Thịnh, những tổ chức, cá nhân không kịp “lên tàu” thời gian qua tranh thủ gom hàng và đặt niềm tin Vn-Index còn bứt phá lên 400-420.

Ngoài ra, lực của khối ngoại cũng đã suy giảm. Khép lại năm 2008 với quá nhiều biến động, từ những bất ổn về thanh khoản, báo cáo tài chính một số công ty niêm yết thiếu minh bạch… đã khiến những luồng tiền mới của khối ngoại vào trong năm nay rất hạn chế, trong khi số rút ra trước đó không ít. Do đó, theo nhận định của ông Thịnh, người cũ ít dần, người mới chưa vào nhiều cho nên yếu tố dẫn dắt thị trường của khối ngoại cũng suy giảm đáng kể so với năm trước.

Một yếu tố không kém phần quan trọng tạo động lực cho cầu nội, theo ông Hồ Ngọc Bạch, Phó phòng phân tích Công ty chứng khoán Thăng Long, là những chuyển biến tích cực của kinh tế vĩ mô, gói kích cầu của Chính phủ, kết quả kinh doanh quý I của doanh nghiệp niêm yết... Dù trong 10 phiên gần đây, khối ngoại mua ròng lên đến 7, tuy nhiên, nhưng số lượng mua không mang tính đột biến.

Còn theo nhận xét của Giám đốc nghiên cứu Nguyễn Minh Tuấn, Công ty chứng khoán Saigonbank Berjaya: “Với những con sóng tăng vừa qua, nhiều người đạt lợi nhuận kỳ vọng, trong xu hướng đa phần có lãi, nhà đầu tư không thể ngồi yên được nữa và quyết định nhập cuộc“. Hơn nữa, thị trường lại đang diễn ra theo chiều hướng tăng và chưa thấy dấu hiệu đuối sức của lực cầu nên giới đầu tư vững tâm nua vào.

Nếu năm trước, những bất ổn của nền kinh tế trong và ngoài nước, từ chính sách thắt chặt tiền tệ, lạm phát cao, khủng hoảng kinh tế toàn cầu… khiến nhà đầu tư trong nước cảm thấy bơ vơ và cần một điểm tựa để có thể tiến hành mua bán chứng khoán, họ tìm đến khối ngoại. Còn hiện tại, theo ông Tuấn, sự phụ thuộc này không còn tương quan.

Bởi lẽ, khối nhà đầu tư trong nước cũng có thể phân tích, xác định hướng đi lên của thị trường rõ ràng hơn, chứ không cần phải dựa theo động thái của khối ngoại. Ngoài ra, dòng tiền liên tục chảy vào thị trường trong nhiều phiên liền… đã tạo niềm tin cho nhà đầu tư: số lỗ sẽ ít hơn mức lời đạt được.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, giá vàng liên tục tăng, cơ hội lướt sóng kiếm lời giảm hẳn đã khiến nhiều nhà đầu tư chuyển tiền sang kênh chứng khoán. Ngoài ra, lãi suất tiền gửi ngân hàng kém hấp dẫn hơn, với mức dao động 8-9% một năm, trong khi đó, những tháng qua, không ít cổ phiếu sau một tuần đã lên hẳn 10%, thậm chí 20-30%. Thị trường bất động sản hiện cũng chưa hấp dẫn với đối tượng lướt sóng khiến nguồn cầu chứng khoán tăng mạnh. Và ông Hiển cũng cho rằng: “Nhà đầu tư trong nước đang dẫn dắt thị trường”.

Bởi lẽ, đây chưa phải thời điểm kỳ vọng vốn đầu tư nước ngoài chảy mạnh vào Việt Nam, có thể phải chờ đến cuối năm, khi kinh tế thế giới ổn định, kinh tế Việt Nam cũng cất cánh theo thì dòng vốn nước ngoài mới vào mạnh.

Bạch Hường

 

Bài viết liên quan


Từ tháng 6, chứng khoán giao dịch thêm 15 phút

Chứng khoán đang trải qua những ‘phép thử’

Chứng khoán tuần tới thử thách ngưỡng 360 điểm

Tuần giao dịch kỷ lục của chứng khoán Việt Nam

Nguồn: viencanh.com Nhà đầu tư nội đang dẫn dắt thị trường chứng khoán

Bình luận về bài viết này