Xem tin ‘Suy thoái kinh tế thế giới có thể kéo dài hơn dự kiến’

Xem tin 'Suy thoái kinh tế thế giới có thể kéo dài hơn dự kiến'Đến TP HCM ngày 20/5, Paul Krugman, nhà cảnh báo khủng hoảng, chủ nhân giải Nobel kinh tế 2008, cho rằng thời điểm vượt qua suy thoái, hồi phục hoàn toàn của nền kinh tế thế giới là một ẩn số và khó đưa ra dự báo chính xác.

Ngày 21/5, Paul Krugman sẽ đối thoại với hơn 700 doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế tại TP HCM về “Tìm kiếm cơ hội và giải pháp trong khó khăn và khủng hoảng”.

“Dấu hiệu thương tổn kinh tế đã thấy rõ ở nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật. Có nhiều lạc quan rằng đáy của khủng hoảng đã qua, thế giới đang sắp sửa thoát khỏi suy thoái. Tuy nhiên tôi cho rằng hiện nền kinh tế thế giới còn khá nhiều ẩn số, chưa thể chắc chắn vượt qua những bất ổn”, người vừa được tạp chí Time bình chọn là một trong 20 nhà khoa học và nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2009, nhận định trong buổi gặp gỡ báo giới ngay trong ngày đầu tiên đến VN.

Cơ sở cho nhận định này, theo Paul Krugman, những thông điệp dự đoán lạc quan chỉ mới dựa trên các thông số ngắn hạn, sẽ còn nhiều tác động khác từ thị trường tài chính và nội địa của từng quốc gia khiến thời điểm vượt qua khủng hoảng có thể kéo dài.

Phút trầm tư của chuyên gia kinh tế đoạt Nobel 2008 trước khi nhận định hiệu quả những gói kích cầu vượt qua khủng hoảng của các quốc gia. Ảnh: P.A.

Paul Krugman là người đầu tiên đưa ra những dấu hiệu cảnh báo một cuộc khủng hoảng sâu rộng trên toàn cầu, trước khi thế giới bước vào suy thoái kinh tế kể từ năm 2008 đến nay. Ông cũng tham gia tư vấn cho chính quyền Tổng thống Barak Obama và người tiền nhiệm G.Bush về những giải pháp vượt qua khủng hoảng. Đánh giá về hiệu quả các gói kích cầu giải cứu nền kinh tế của Chính phủ Mỹ cũng như những quốc gia khác, Paul Krugman cho rằng chưa có nhiều tác động khả quan đến khủng hoảng, mặc dù biện pháp đối phó hiện nay tốt hơn nhiều so với năm 1930 – thời kỳ đại suy thoái kinh tế thế giới, vốn có những dấu hiệu gần giống nhau.

Tỏ ra khá tự tin và điềm tĩnh, ông nói: “Các quốc gia đều đưa ra các gói kích cầu để tạo công ăn việc làm, kích tiêu dùng, song mức độ tác động đến nền kinh tế còn thấp và chỉ có ảnh hưởng cục bộ, cho thấy quy mô gói kích cầu còn quá nhỏ so cần thiết”. Theo ông, tính trên tỷ lệ phần trăm GDP của mỗi nền kinh tế, gói kích cầu phải đạt 4-5% GDP mới đủ liều thuốc bơm chữa bệnh khủng hoảng. Ví dụ gói kích cầu của Mỹ hiện bằng 2% GDP cần phải tăng gấp đôi mới đủ giải cứu nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng để vực dậy nền kinh tế hiệu quả, các quốc gia phải phối hợp giải pháp với nhau. Ví như G20 cần hợp lực đưa ra những giải pháp toàn cầu để vượt qua “cuộc suy thoái có thể kéo dài lâu hơn dự kiến”. Hiện nhiều người cho rằng thế giới sẽ thoát ra khỏi suy thoái kinh tế vào cuối năm nay.

Kịch bản của kinh tế thế giới hậu suy thoái cũng được bậc thầy về khủng hoảng này nhắc đến. Trong đó có hai vấn đề đáng lưu tâm là trật tự cường quốc kinh tế chắc chắn thay đổi; và thay vì lo ngại khả năng tái lạm phát thì các quốc gia hãy dè chừng nguy cơ giảm phát xảy ra có thể gây hậu quả lớn hơn.

“Sau khủng hoảng kinh tế, những nền kinh tế mạnh hiện nay như Mỹ, Trung Quốc… sẽ phải tính lại sự phát triển và vai trò của mình trên thế giới, vì lẽ một số quốc gia phát triển sau nhưng có cơ hội mạnh lên trong thời đại mới. Giai đoạn tăng trưởng và phát triển trước khủng hoảng sẽ không còn dễ dàng sau khủng hoảng”, Paul Krugman khuyến cáo.

Cha đẻ của thuyết thương mại mới cho rằng, đã đến lúc phải nghiên cứu về một thuyết thương mại mới hơn nữa vì hiện có nhiều nền kinh tế trẻ phát triển mạnh và vững vàng. Với ông, sự phát triển của nền kinh tế VN là một câu chuyện thành công trong thời đại mới và đáng để nghiên cứu.

Phan Anh

 

Bài viết liên quan


Lên kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế

Thương mại toàn cầu suy giảm kỷ lục

‘Nhà cảnh báo khủng hoảng’ của thế giới đến Việt Nam

‘Khủng hoảng đến VN muộn, nhưng có thể ở lại lâu hơn’

Nguồn: viencanh.com ‘Suy thoái kinh tế thế giới có thể kéo dài hơn dự kiến’

Bình luận về bài viết này