Xem tin Núp bóng sân golf để xây biệt thự

Xem tin Núp bóng sân golf để xây biệt thựCó tới 40% đất trong số các dự án triển khai làm sân golf được dùng để kinh doanh bất động sản. Hàng trăm ngôi biệt thự cao cấp “đính kèm” cạnh sân golf trong mỗi dự án là mục tiêu chính các chủ đầu tư nhắm đến.

Đó là ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong buổi họp bàn về vấn đề sân golf và quy hoạch xanh sáng 6/5 tại Hà Nội. Trong tổng số hơn 23.000 ha của 76 dự án sân golf đã và đang triển khai trong cả nước, có tới khoảng 8.000 ha đất (chiếm 40%) để kinh doanh bất động sản, biệt thự, nhà nghỉ, nhà hàng… Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cho rằng, thực chất hàng trăm ngôi biệt thự cao cấp “đính kèm” bên cạnh sân golf trong mỗi dự án mới là mục tiêu chính mà các chủ đầu tư nhắm đến bởi chỉ dự án sân golf mới lấy được nhiều đất đẹp.

Trong tổng diện tích 4.200 ha đất của 9 dự án sân golf đang triển khai tại Lâm Đồng, chỉ có 20% diện tích được dành cho sân golf, phần còn lại chủ yếu được sử dụng xây nhà nghỉ, biệt thự cao cấp để bán và cho thuê.

Ảnh: Hoàng Hà
Biệt thự đính kèm gần sân golf là mục tiêu chính của các nhà đâu tư. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Năm 2003, dự án sân golf Tam Đảo (Vĩnh Phúc) cấp phép với diện tích 137 ha. Chủ đầu tư đã dùng tới quá nửa diện tích (90 ha) làm biệt thự, chia thành 290 lô đất rao bán ngay sau khi sân golf Tam Đảo đi vào hoạt động. Với mỗi lô đất có giá khoảng 1 tỷ đồng, 290 lô đất công ty đã thu về khoảng 300 tỷ. Trong khi dự toán đầu tư cho dự án chỉ khoảng 400 tỷ đồng.

Nhiều nhà đầu tư cho rằng dự án sân golf không thu được lợi nhuận cao nên họ phải tìm cách “xoay”. Bởi khách chơi golf chủ yếu là những người có thu nhập cao. Theo ông Đặng Văn Đan, Hội Môi trường xây dựng Việt Nam, dự án sân golf chỉ phục vụ khoảng 200- 300 hội viên với mức chi phí khoảng 100 USD mỗi lượt. “Hầu hết các dự án này chậm thu hồi vốn. Dẫn đến chủ đầu tư dự án luôn có “âm mưu” chuyển đổi mục đích sử dụng và kinh doanh bất động sản”, ông Đan nói.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Ngọc Chu, Tổng thư ký hiệp hội Golf Việt Nam cho rằng, nhu cầu xây sân golf gắn liền với khu nghỉ mát trong thời đại hiện nay đã trở nên bắt buộc. Sân golf ở xa khu đô thị, không có vị thế đẹp đẩy các chủ đầu tư vào thế mạo hiểm và bất lợi. Các nhà đầu tư muốn tận dụng diện tích phải chừa ra trong khu đô thị và khu công nghiệp để xây sân golf nhằm tăng giá trị bất động sản là xu hướng mới.

Từ 1/4, việc tăng 20% thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phí chơi golf sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh thu từ sân golf. Điều này sẽ làm giảm lượng khách chơi khiến khả năng thu lợi nhuận của chủ đầu tư giảm sút. Đặc biệt, giá thuê đất làm sân thấp hơn giá thuê đất xây biệt thự, nhà ở trung tâm, dịch vụ thương mại nhiều lần nên nhà đầu tư lợi dụng kẽ hở này để kinh doanh bất động sản, nhằm thu hồi vốn nhanh hơn.

Ngoài ra, vấn đề thay đổi cơ chế cũng là một nguyên nhân cơ bản. Trước đây, Chính phủ trực tiếp phê duyệt các dự án kinh doanh sân golf. Tuy nhiên, gần đây theo phân cấp quản lý, các địa phương tự chủ trong việc phê duyệt cấp phép làm số lượng sân golf tăng đáng kể. Các địa phương đua nhau cho cấp phép sân golf và cơ chế “xin- cho” dễ nảy sinh.

Khi kinh doanh bất động sản “núp bóng” sân golf, lợi nhuận chủ yếu vào túi chủ đầu tư, ngân sách Nhà nước thu không đáng kể. Sân golf Vân Trì, (Đông Anh – Hà Nội), chiếm 128 ha nhưng khoản tiền nộp vào ngân sách tính từ tháng 6/2003 đến tháng 12/2007 khoảng 20,8 tỷ đồng, trung bình một năm nộp khoảng 4 tỷ. “Nếu tính giá trị đất bị mất, hàng trăm, hàng nghìn lao động mất việc làm thì ngân sách Nhà nước thu được không đáng kể, sân golf đóng góp không nhiều cho tăng trưởng kinh tế Hà Nội”, ông Lê Văn Thiện, khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) nói.

Theo ông Tôn Gia Huyên, để khắc phục tình trạng nhiều chủ đầu tư núp bóng sân golf đầu tư bất động sản, Nhà nước cần rà soát hiệu quả kinh doanh. Khi xét duyệt các sân golf phải xem xét và quy định chi tiết quy hoạch sử dụng đất của từng sân golf. “Đặc biệt phải khống chế số lượng diện tích đất sử dụng vào mục đích khác. Các sân golf đã xây dựng xong phải tiến hành đăng ký quyền sử dụng và thường xuyên kiểm tra quyền sử dụng như các loại đất khác. Việc xây dựng thêm sân golf mới phải được cân nhắc và cơ quan chủ quản cấp Bộ phê duyệt”, ông Huyên đề xuất.

Còn ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam cho rằng, cần xử lý mạnh tay đối với các tỉnh phân cấp đất sai mục đích sử dụng đất. “Đối với các tỉnh cấp sai mục đích sử dụng đất cần xử lý nghiêm. Tôi cho rằng, chúng ta nên cắt chức mấy ông chủ tịch tỉnh để làm gương thì tình trạng các chủ đầu tư núp bóng sân golf xây biệt thự mới chấm dứt”, ông Liêm nói.

Hoàng Lan

 

Bài viết liên quan


Kinh doanh sân golf lỗ nặng

Hà Nội sẽ có trách nhiệm với các dự án bị dừng đầu tư

Loạn môi giới nhà đất vì thiếu chế tài

Donald Trump đi kiện đòi lại tên tuổi

Nguồn: viencanh.com Núp bóng sân golf để xây biệt thự

Bình luận về bài viết này