Tin Muôn vẻ chống suy thoái trong nhóm G20

Tin Muôn vẻ chống suy thoái trong nhóm G20Khủng hoảng diễn ra ở tất cả các nước được cho là có tiềm lực kinh tế mạnh nhất thế giới. Mỗi nơi hành xử mỗi khác, nhưng phần lớn đều tung nhiều tỷ đôla hỗ trợ hệ thống tài chính đang lâm nguy.

Dưới đây là giải pháp chống khủng hoảng của 10 thành viên trong nhóm, theo tổng hợp của CNN nhân Hội nghị thượng đỉnh G20 khai mạc ngày 2/4 tại London, Anh.

1. Mỹ

Nguồn: CNN
Tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ dâng cao nhất trong vòng 16 năm qua. Nguồn: CNN

Giá nhà liên tục rớt thê thảm từ mùa hè 2007 tới nay, đẩy ngân hàng tới chỗ khó khăn, nợ xấu gia tăng khi số tài sản thế chấp khổng lồ ngày càng mất giá trị. Để tránh thua lỗ nặng nề hơn, các nhà băng thi nhau ngừng cho vay. Sau 14 tháng, 4,4 triệu người Mỹ đã mất việc làm.

Nhà Trắng đã mạnh tay bơm hàng nghìn tỷ đôla để “rã đông” thị trường tín dụng, trong đó có 700 tỷ USD dành riêng cho các ngân hàng. Đến tháng 2 năm nay, chính quyền Tổng thống Obama tiếp tục thiết kế gói cứu trợ thứ hai trị giá 787 tỷ USD.

2. Anh

Vào tháng 1, khi các ngân hàng tiếp tục công bố những khoản lỗ kỷ lục, đồng bảng Anh ngay lập tức rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 23 năm qua. Hoạt động sản xuất đình đốn, giá nhà đất rớt thê thảm. đẩy kinh tế rơi vào vòng xoáy suy thoái.

Tháng 10/2008, Thủ tướng Gordon Brown tung ra gói kích thích kinh tế trị giá 63 tỷ USD giúp đỡ các ngân hàng vượt qua giai đoạn khó khăn về thanh khoản. Ba tháng sau, Ngân hàng Trung ương Anh quốc lập quỹ đặc biệt, tung ra 74 tỷ USD mua lại các khoản nợ trong khu vực tư nhân. Kế hoạch mới cũng thiết kế riêng chương trình bảo hiểm nhằm bảo vệ các nhà băng khỏi nguy cơ thua lỗ nặng nề hơn. Các khoản tín dụng cầm cố của nhà băng cũng được bảo vệ thông qua chương trình này.

Chỉ số chứng khoán FTSE 100 của Anh luôn trong xu thế đi xuống từ tháng 10 năm ngoái tới nay. Nguồn: CNN.

3. Nga

Xuất khẩu suy giảm nghiêm trọng do giá dầu, khí sụt mạnh. Các ngân hàng cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, bởi số nợ nước ngoài của họ vượt quá tài sản quốc gia. Đồng rúp trượt giá nhanh chóng khiến nhiều người nghĩ lạm phát tưởng chừng đã vượt tầm kiểm soát.

Vào tháng 10, Ngân hàng Trung ương Nga đã thiết kế nguồn tín dụng 50 tỷ USD cho các tổ chức tín dụng. Một tháng sau, điện Kremlin lại bơm thêm 28 tỷ USD cho các ngân hàng. Lãi suất cơ bản cũng nhanh chóng hạ xuống nhằm kiểm soát lạm phát.

4. Mexico

Kinh tế Mexico có mối ràng buộc với Mỹ. Tốc độ tăng trưởng ở khu vực này gần về mốc 0 vào cuối năm 2008, chủ yếu do giá dầu xuất khẩu sang Mỹ giảm mạnh. Thực tế khó khăn khiến quan hệ hai bên bớt mặn nồng, nhất là khi Mỹ thắt chặt ngân sách chi tiêu cho nhiên liệu sau xung đột ở biên giới liên quan tới thuốc phiện.

Mexico cũng nhanh chóng tung gói kích thích 54 tỷ USD vào 7/1, nhằm tăng chi tiêu cho phúc lợi xã hội đồng thời kiềm chế đà tăng giá xăng, gas và điện. Chính phủ cũng hứa đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ nhằm giải quyết công ăn việc làm cho người lao động.

5. Nhật Bản

Chỉ số Nikkei của Nhật cũng liên tục phá đáy. Nguồn: CNN

Chỉ số Nikkei, hàn thử biểu của chứng khoán Nhật Bản, chạm đáy 26 năm vào trung tuần tháng 3, sau khi đã phục hồi chút đỉnh đầu năm. Thị trường nhà đất khủng hoảng, xuất khẩu tê liệt, kéo theo tình trạng thất nghiệp gia tăng.

Để tháo gỡ bế tắc trong thị trường tín dụng, Tokyo quyết định cắt giảm lãi suất vào tháng 10 năm ngoái, làn đầu tiên sau hơn 7 năm giữ nguyên. Đến tháng 12, lãi suất đồng yen lại một lần nữa giảm xuống, cùng lúc Ngân hàng Trung ương Nhật tung ra 100 tỷ USD mua lại các khoản nợ của ngân hàng.

Gói kích thích 275 tỷ USD do Chính phủ Nhật Bản tung ra hồi tháng 10 năm ngoái chủ yếu nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời hoàn thuế cho các hộ gia đình. Tháng trước, Thủ tướng Taro Aso lên tiếng kêu gọi chính phủ nên có thêm các gói kích thích kinh tế.

6. Ấn Độ

2 tháng cuối năm ngoái và tháng giêng năm nay, kinh tế Ấn Độ vẫn tăng trưởng, song với mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Các phương án giải cứu rất khó triển khai, do lạm phát vẫn phi mã, thâm hụt ngân sách leo thang.

Cuối cùng thì Ngân hàng Trung ương Ấn Độ cũng phải cho các tổ chức tài chính vay 37,4 tỷ USD nhằm hỗ trợ thị trường tín dụng đang tê liệt. Vào tháng 12, Chính phủ tung ra gói kích thích 8 tỷ USD bao gồm giảm thuế, chi cho doanh nghiệp nhỏ và hỗ trợ các chủ nhà đang gặp khó khăn.

Kinh tế Ấn Độ tăng trưởng ở mức thấp nhất 5 năm qua. Ảnh: CNN.

7. Iceland

Quốc gia bé xíu này đã bị nhấn chìm trong cơn khủng hoảng toàn cầu năm ngoái. Ba ngân hàng lớn nhất, có tổng tài sản lớn gấp 10 lần tài sản quốc gia, thi nhau sụp đổ vào tháng 10 năm 2008. Hệ quả là Ngân hàng Trung ương Iceland phải tuyên bố phá sản, thị trường chứng khoán cũng sụp đổ theo. Suốt năm ngoái, đồng krona giảm 67% giá trị so với đôla và bắt đầu phục hồi vào năm nay.

Iceland đã phải nhận 5,1 tỷ USD trợ giúp từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế để bình ổn giá trị đồng bản tệ đang rơi tự do. Thủ tướng Geir Haarde từ chức vào tháng 2, và chính phủ mới phải lên kế hoạch tái thiết ở hàng loạt lĩnh vực khác nhau, kể cả kiểm soát các ngân hàng và đặt đất nước vào tình trạng sẵn sàng trả những món nợ khổng lồ.

8. Đức

Quý III năm ngoái, nền kinh tế lớn nhất châu Âu bắt đầu rơi vào suy thoái với mức trượt dốc mạnh nhất kể từ sau Thế chiến II. Các quan chức chính phủ không kỳ vọng kinh tế sẽ tăng trưởng trở lại trong năm nay. Đức hiện là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, song sản lượng công nghiệp đã suy giảm nghiêm trọng do nhu cầu của các thị trường rất yếu.

Gói kích thích dành riêng cho khối tài chính được đưa ra tháng 10 năm ngoái, với tổng trị giá 642 tỷ USD. Một tháng sau, chính phủ của bà Angela Merkel đưa ra gói kích thích 25 tỷ USD, trước khi bơm thêm 66 tỷ USD vào tháng 1 năm nay. Cả hai gói sau này đều nhằm hỗ trợ về thuế và đầu tư vào hạ tầng.

9. Trung Quốc

Kinh tế Trung Quốc cũng tăng trưởng ở tốc độ chậm nhất 5 năm qua. Nguồn: CNN.

Tăng trưởng kinh tế 2008 của Trung Quốc ở mức thấp nhất trong 5 năm, do xuất khẩu suy giảm trong bối cảnh cầu thế giới thu hẹp. Nạn thất nghiệp gia tăng, vượt qua cả tỷ lệ ước tính 9% của chính phủ.

Vào tháng 11/2008, Bắc Kinh đã phải dùng 586 tỷ USD để vực dậy thị trường bất động sản, đầu tư cho y tế và hạ tầng. Trong này bao gồm cả 70 tỷ USD giảm thuế cho các nhà xuất khẩu. Giữa tháng 3, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cho rằng có thể phải cần thêm một gói kích thích giúp kinh tế tăng trưởng 8% trong năm nay.

10. Brazil

Dầu lửa vốn là động lực thúc đẩy kinh tế Brazil. Khi giá vàng đen rớt thê thảm, cũng là lúc nơi đây gặp vô vàn khó khăn. Thất nghiệp gia tăng. Trong tháng 1, lần đầu tiên trong 8 năm qua, Brazil lâm vào cảnh nhập siêu. Nhiều chuyên gia cho rằng, nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latin đã thực sự rơi vào suy thoái.

Tháng 2 năm nay, chính quyền Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva lập ra kế hoạch mang tên lấy lại đà tăng trưởng. Số tiền dự kiến chi vào khoảng 62 đến 280 tỷ USD. Ngân hàng Trung ương cũng tăng cường cho vay với các ngân hàng thương mại, giảm lãi suất và triển khai chương trình hoán đổi tiền tệ với Cục Dự trữ liên bang Mỹ.

Các chỉ tiêu tổng quát của 10 nước:

Song Linh

 

Bài viết liên quan


Doanh nghiệp trên sàn vật lộn với khủng hoảng

Doanh nghiệp rộn rịp tính chuyện vay vốn kích cầu

Thống đốc Nguyễn Văn Giàu: ‘Nghiêm cấm cho vay đảo nợ’

Tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong nhiều năm

Nguồn: viencanh.com Muôn vẻ chống suy thoái trong nhóm G20

Bình luận về bài viết này