Thị trường ngoại tệ cần một niềm tin

Thị trường ngoại tệ cần một niềm tinNgân hàng Nhà nước phát thông điệp ổn định tỷ giá, nguồn ngoại tệ đủ đáp ứng nhu cầu thiết yếu song thị trường cứ dậy sóng, giá dịu được ít ngày lại nhúc nhích tăng.

Các cửa hàng tư nhân tại Hà Nội sáng 7/8 chào giá phổ biến 18.330 – 18.360 đồng ăn một đôla (mua vào – bán ra). Mức điều chỉnh 30-60 đồng không quá lớn, song đáng chú ý bởi đây là lần đầu tiên giá tăng trở lại sau gần một tuần giảm và rơi xuống dưới ngưỡng 18.300 đồng hôm 6/8.

Thông tin có thể ảnh hưởng tới thị trường đôla chợ đen là cuối tháng 8, du học sinh Việt Nam chuẩn bị tựu trường. Nhu cầu về ngoại tệ cho của các bậc phụ huynh cũng vì thế mà tăng cao. Trong khi đó, tâm lý muốn mua vào để găm giữ vẫn phổ biến ở chủ cửa hàng mua bán đôla chợ đen. Các cửa hàng này sẵn sàng chào cao hơn một giá so với mức chuẩn nếu khách bán số lượng lớn từ vài chục nghìn trở lên.

Bên cạnh số ít những người đi mua đôla phục vụ nhu cầu thanh toán, phần đông đều lướt sóng ngắn hạn kiếm lời, hoặc muốn gom tích trữ kỳ vọng giá lên, bất chấp Ngân hàng Nhà nước nhiều lần phát thông điệp ổn định tỷ giá. Một chủ hàng giải thích giá đôla giảm trong trời gian qua có thể do dân đầu cơ cố tình dìm để mua vào. Đến khi thị trường khan hiếm mới tung ra để thu lời. Anh Đức Quang, một khách hàng có nhu cầu mua đôla cho biết anh cùng một số nhà đầu tư bán ra đôla vào thời điểm giá đạt gần 18.500 đồng, giờ thấy giảm một chút lại có ý định mua vào để đợi giá lên.

“Giá càng bị dìm sâu thì càng vùng lên mạnh mẽ”, anh Quang nói thêm.

Quy mô thị trường tự do không thấm vào đâu so với các giao dịch trong ngân hàng, song nó cũng giúp giải tỏa phần nào nhu cầu của những người không thể mua ở ngân hàng. Hơn nữa, biến động tỷ giá chợ đen tác động rất lớn tới tâm lý của những người có nguồn đôla hoặc có ý định tích trữ. Những đồn thổi trên thị trường tự do về cung cầu, về chuyện phá giá hay không phá giá đồng nội tệ có tác động ghê gớm đến quyết định mua bán của mỗi người, thậm chí còn hơn cả những tuyên bố chính thống phát đi từ cơ quan quản lý.

Thị trường dậy sóng mỗi khi có tin đồn thổi về chính sách tỷ giá hay cung cầu. Ảnh minh họa: Hoàng Hà
Thị trường dậy sóng mỗi khi có tin đồn thổi về chính sách tỷ giá hay cung cầu. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Ngoại tệ thu từ xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, kiều hối, vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài… là những nguồn quan trọng phục vụ nhu cầu thanh toán quốc tế cho Việt Nam. Năm nay, phần lớn các kênh này đều giảm mạnh. Xuất khẩu chỉ đạt 32,3 tỷ USD sau 7 tháng, giảm 13,4% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 10,1 tỷ USD, giảm tới 81,2%. Vốn gián tiếp chỉ nhỏ giọt ở mức dưới 500 triệu USD, chưa bằng một phần tư so với thời đỉnh cao. Kiều hối dự báo cũng khó bằng năm ngoái.

Tuy nhiên, nhu cầu thanh toán năm nay không lớn như mọi năm. 7 tháng, Việt Nam chỉ phải chi 35,7 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, giảm hơn 32% so với cùng kỳ năm ngoái. Áp lực trả nợ nước ngoài năm nay cũng chưa lớn. Theo tính toán của cơ quan quản lý, cán cân thanh toán năm nay sẽ không căng thẳng, thậm chí có thể còn dư dật chút đỉnh.

Nhưng vì tâm lý lo Việt Nam đồng sẽ mất giá, các cá nhân và tổ chức có nguồn thu ngoại tệ không muốn bán cho ngân hàng, nếu có đều yêu cầu giá cao. Doanh nghiệp nhập khẩu thì quyết mua đôla để thanh toán ngay, thay vì vay ngân hàng sợ cuối năm giá còn lên cao nữa. Chương trình kích cầu qua lãi suất vay tiền đồng cũng gián tiếp tạo áp lực không nhỏ lên cung cầu ngoại tệ. Mức hỗ trợ 4% lãi suất quá hấp dẫn, nhiều doanh nghiệp tranh thủ vay tiền đồng để đi mua đôla thanh toán cho đối tác.

Đến cuối tháng 4, dư nợ cho vay đôla Mỹ trong hệ thống ngân hàng xuống mức thấp chưa từng có, giảm tới 8% so với cùng kỳ. Ngân hàng lâm vào cảnh thừa đôla cho vay, nhưng không có đôla để bán. Căng thẳng trên thị trường ngoại tệ lên đến đỉnh điểm vào đầu tháng 7, khi Ngân hàng Nhà nước mạnh tay xử lý các đại lý thu đổi ngoại tệ trái phép, gửi trát cấm ngân hàng lách luật để bán với giá cao.

Giao dịch ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng những ngày này vẫn căng thẳng, nhưng không đến mức cạn kiệt nguồn để bán cho doanh nghiệp. Ngân hàng Nhà nước vẫn tỏ ý sẵn sàng bơm ngoại tệ nếu ngân hàng thiếu, song liều lượng đã giảm bớt so với đầu tháng 7. Chuyện bán với giá cao hơn niêm yết vẫn còn, nhưng từ đầu tháng 8, các ngân hàng không còn đẩy tỷ giá kịch trần như trước.

Một doanh nghiệp nhập khẩu ôtô tại Hà Nội cho biết hầu như lần nào đến hỏi mua, ngân hàng đều nhanh chóng đáp ứng, chỉ có điều phải chấp nhận giá cao hơn niêm yết 1-2%. Các doanh nghiệp ít quen biết khó mua hơn, nhưng chủ yếu vì ngân hàng sợ không an toàn khi bán cho người lạ với giá cao. Theo quy định, ngân hàng chỉ được phép niêm yết giá vênh không quá 5% so với tỷ giá liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố hằng ngày.

Ngân hàng Nhà nước nhiều lần lên tiếng không nới biên độ tỷ giá, bởi làm mất giá tiền đồng thêm nữa sẽ lợi bất cập hại. Nhưng làm thế nào để tỷ giá không nhảy nhót ngoài tầm kiểm soát vẫn là câu hỏi khó với những người làm chính sách, nhất là khi công chúng chưa tuyệt đối tin tưởng vào sự ổn định của tiền đồng.

Thực tế những ngày gần đây giới kinh doanh ngân hàng và ngay cả người làm chính sách lại xuất hiện mối lo mới, đó là thanh khoản tiền đồng. Cầu về vốn VND vẫn rất lớn và tiếp tục gia tăng, trong khi nguồn cung có hạn. Nếu không khéo, thị trường từ chỗ lo giữ không để đôla lên giá sẽ chuyển sang làm thế nào để ngăn Việt Nam đồng lên giá so với đôla.

Song Linh – Nhật Minh

 

Bài viết liên quan

Ngân hàng sợ bán đôla cho doanh nghiệp Đôla chợ đen vẫn hút khách
Các ông lớn ngân hàng bắt tay kìm lãi suất USD

Doanh nghiệp bóp bụng mua USD giá cao

Nguồn: viencanh.com Thị trường ngoại tệ cần một niềm tin

Bình luận về bài viết này