Chứng khoán vẫn lặng sóng

Thị trường tuần qua chưa xác định được xu hướng, đồng thời là tuần thứ tư liên tiếp thanh khoản sụt giảm. Những phiên giao dịch giằng co nối tiếp nhau, khi bên mua nhất định chờ giá thấp và bên nắm cổ phiếu kiên quyết không bán giá rẻ.

Chỉ phiên đầu tuần tăng điểm và 4 ngày còn lại đều đi xuống, song Vn-Index vẫn kết thúc tuần với mức điểm dương. Điều này là nhờ đà tăng mạnh trong phiên đầu tuần kéo lại. Chỉ số của sàn TP HCM đóng cửa tại 438,83, tăng nhẹ 3,39 điểm so với cuối tuần trước. Sàn Hà Nội có diễn biến tương tự, khi kết thúc tuần tại 146,37, tăng 0,61 điểm (0,42%).

Thanh khoản trên cả 2 sàn tiếp tục đi xuống, và đây đã là tuần thứ tư liên tiếp có khối lượng và giá trị giao dịch giảm. Tại HOSE, trung bình mỗi phiên có 31,7 triệu chứng khoán được khớp lệnh, tương ứng 1.142 tỷ đồng, lần lượt giảm 8% và 9,4% so với tuần trước. Tại sàn Hà Nội, khối lượng và giá trị giao dịch giảm mạnh hơn, lần lượt là 16,6% và 18%, đạt 14,5 triệu cổ phiếu, tương ứng 473,7 tỷ đồng.

Trên thị trường UPCoM, giao dịch cổ phiếu của các doanh nghiệp đại chúng chưa niêm yết vẫn chưa có chuyển động đáng kể. Sau 3 phiên tăng và 2 giảm, UPCoM-Index đóng cửa tại 72,45 điểm. Khối lượng giao dịch trong những phiên giao dịch gần đây có xu hướng giảm.

Diễn biến tích cực trong tuần là nhà đầu tư nước ngoài liên tiếp mua ròng, đưa tổng số phiên khối ngoại mua nhiều hơn bán lên 12. Khối lượng mua ròng không lớn, song động thái này hỗ trợ phần nào tâm lý thị trường. Một số doanh nghiệp niêm yết lớn bắt đầu công bố báo cáo kinh doanh với kết quả vượt kế hoạch và có tác động đến diễn biến giá của các mã này. Song đáng lưu ý là đầu năm nay, phần lớn công ty niêm yết đặt kế hoạch kinh doanh ở mức khiêm tốn, do lường trước những khó khăn.

Những yếu tố bất lợi vẫn tỏ ra có tác động lớn, trong đó phải kể đến nguồn tiền chảy vào chứng khoán tiếp tục giảm sút. Sau đợt tăng nóng cuối tháng 5, đầu tháng 6, những người tham gia thị trường theo kiểu “thời vụ” không còn mặn mà rót tiền, trong khi những người đầu tư chuyên nghiệp cũng không vội vàng giao dịch.

Một lượng cầu lớn vẫn chặn mua ở ngưỡng điểm 400-420 của Vn-Index. Trong những phiên tăng điểm, ngay khi đà rơi của chỉ số chậm lại, thì khối lượng đặt mua cũng giảm theo. Bên nắm giữ cổ phiếu, do không còn chịu áp lực từ việc dùng vốn vay để đầu tư, nên cũng không vội bán ra ở mức giá thấp. Điều này tạo nên những phiên giao dịch giằng co với biên độ nhỏ quanh ngưỡng 440-446 điểm, và khối lượng khớp lệnh đạt thấp.

Thị trường chứng kiến sự bứt phá của nhiều penny-stock, với các đại diện VNE, KSH, BBT, DCC, LGC, SBT. Song các mã nhỏ này vẫn không đủ lực làm nên diễn biến mới trên thị trường.

Trong khi đó, các blue-chip tiếp tục lình xình và không thể hiện rõ xu hướng giao dịch. Riêng hai tân binh tài chính BVH và VCB bị bán mạnh, và cùng giảm gần 10%. Duy nhất blue-chip VNM có diễn biến tích cực, khi tăng mạnh 15% sau khi công bố kết quả kinh doanh tốt, cũng như kế hoạch chia cổ tức và phát hành cổ phiếu thưởng.

Trong tuần tới, sàn TP HCM sẽ đón nhận 121,2 triệu cổ phiếu Vietinbank chào sàn, với mã CTG và giá tham chiếu 50.000 đồng, trong đó có đến hơn 70 triệu cổ phiếu được giao dịch. Khối lượng niêm yết lớn của mã này khiến nhiều người lo ngại về khả năng chốt lời, khi giá chào sàn cao gấp đôi giá đấu thành công bình quân. Song với nhiều chuyên viên phân tích, thị trường đi ngang và không xác định rõ xu hướng có thể là sự tích lũy cho trung hạn.

Ngọc Châu

 

Bài viết liên quan

Chứng khoán 30/6: Mọi đôi mắt dồn về Vietcombank
Vn-Index đảo chiều bất thành
Chứng khoán 3/7: Sức cầu lớn ở vùng 420 điểm Vn-Index có tuần giảm đầu tiên sau 3 tháng tăng

Nguồn: viencanh.com Chứng khoán vẫn lặng sóng

Bình luận về bài viết này