‘Nội chiến’ nổ ra ở nhiều chung cư

'Nội chiến' nổ ra ở nhiều chung cưHàng loạt sự cố như chủ đầu tư khiếu kiện kết quả bầu cử của dân cư, nội bộ ban quản trị tranh cãi, thiếu thốn nhà cộng đồng, loạn phí… đã châm ngòi cho những cuộc nội chiến khó có hồi kết ở các chung cư TP HCM.

Điển hình là cuộc đấu tranh bền bỉ của cộng đồng cư dân chung cư Tản Đà (quận 5) trong 3 tháng nay. Một nhóm hộ dân đã vận động cộng đồng cùng ký tên vào đơn yêu cầu chủ đầu tư tổ chức hội nghị nhà chung cư. Cuộc bầu cử đã diễn ra ngày 18/4 với sự tham dự của đông đảo hộ dân, đại diện chủ đầu tư và chính quyền địa phương. Thế nhưng ngay sau đó Công ty Việt Chi Hưng (chủ đầu tư) đã đâm đơn khiếu nại lên UBND quận 5 về kết quả của hội nghị này. Chính quyền địa phương tỏ ra lúng túng, không ra quyết định công nhận Ban quản trị vừa thành lập.

Chưa ngã ngũ về số phận của Ban quản trị, dân chung cư Tản Đà tiếp tục đấu tranh phản đối các mức phí giữ xe mà chủ đầu tư truy thu sai quy định. Chủ tịch UBND phường 11, quận 5, Nguyễn Thị Bông đề nghị chủ đầu tư cao ốc Tản Đà thu phí chung cư theo Quyết định 245/2005 của UBND TP HCM; nếu muốn thu cao hơn phải có thỏa thuận bằng văn bản.

Để giải quyết tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân cao ốc Tản Đà, Phó chủ tịch thường trực UBND TP HCM Nguyễn Thành Tài đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp cùng UBND quận 5 và các cơ quan liên quan nghiên cứu, chủ động xử lý. Sau đó báo cáo kết quả thực hiện trong 10 ngày làm việc tính từ ngày nhận công văn. Từ ngày 5/5 đến nay, vụ việc chưa có hướng giải quyết.

Sau 3 tháng nổ ra tranh chấp, cư dân chung cư Tản Đà đã giăng xe bao vây quanh tòa nhà để phản đối mức thu phí quá cao của chủ đầu tư. Ảnh: S.T.

Ban quản trị “hụt” của chung cư Tản Đà (được dân bầu nhưng chưa được chính quyền công nhận), dự định sẽ kiện UBND quận 5 ra tòa hành chính vì chậm trễ giải quyết khiếu nại của cư dân.

Trong khi đó, dân ở chung cư Hoàng Anh 2 (quận 7) vẫn chưa tổ chức hội nghị nhà chung cư lần nào. Hàng loạt vấn đề phát sinh như phí quản lý cao, an ninh trật tự kém gây mất xe ở tầng hầm, chất lượng công trình và việc bảo trì tòa nhà còn nhiêu khê khiến người dân kêu ca. Tại đây từng nổ ra những cuộc “nổi loạn” nhỏ của các hộ dân riêng lẻ nhằm phản đối việc thiếu nước sinh hoạt, tăng phí quản lý, việc bảo trì, bảo hành chậm trễ…

Theo phản ảnh của ban đại diện tạm thời, mối quan tâm lớn nhất của cư dân hiện nay là nhanh chóng thành lập ban quản trị để tổ chức này đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của cộng đồng. Chủ đầu tư chung cư Hoàng Anh 2 đã nhiều lần khẳng định nay mai sẽ tổ chức hội nghị và tiến hành bầu Ban quản trị theo nguyện vọng của cư dân. Tuy nhiên đến nay mọi thứ vẫn chỉ là lời hứa.

Ngay cả chung cư tái định cư 0A Trần Nhật Duật ( phường Tân Định, quận 1) do chính quyền địa phương làm ban quản lý, không có yếu tố kinh doanh như các công ty tư nhân, cũng nổ ra cuộc chiến ngầm.

Cụ thể, đầu năm nay, Phó Ban quản trị chung cư Trần Nhật Duật Bùi Thị Thịnh đã gửi đơn khiếu nại lên UBND phường Tân Định, quận 1. Nội dung đơn phản đối việc nhà sinh hoạt cộng đồng bị tổ dân phố sử dụng sai mục đích như: ăn nhậu, ca hát. Dân cần dùng phòng cộng đồng vào việc hiếu hỷ, ma chay phải báo trước, khi có sự đồng ý của Trưởng khu phố mới được cho vào.

Phó chủ tịch UBND phường Tân Định Trần Văn Đạt sau khi nhận được đơn đề nghị của Ban quản trị chung cư 10A Trần Nhật Duật đã chỉ đạo Ban quản lý phải nghiên cứu lại, để thống nhất cách sử dụng phòng cộng đồng theo hướng thuận tiện cho sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên dù văn bản này đã ban hành từ tháng 1 nhưng đến nay mâu thuẫn trong tòa nhà vẫn âm ỉ chưa giải quyết xong.

Từ cuối năm 2008 đến nay, làn sóng phản đối, thậm chí là kêu cứu của người dân sống trong các tòa chung cư tại TP HCM ngày một tăng lên. Từ những chung cư giá thấp như Phú Lợi, cụm Conic đến các tòa nhà trung và cao cấp như Hoàng Anh 2, Mỹ Vinh, Botanic, Tản Đà… đều bùng nổ hoặc ngấm ngầm dấy lên làn sóng phản đối cách quản lý của chủ đầu tư. Mặc dù chính quyền địa phương có can thiệp để tháo gỡ tranh chấp nhưng hướng giải quyết của cơ quan chức năng còn quá chậm, chưa cụ thể và triệt để.

Tổng giám đốc Công ty cổ phần địa ốc ACB (ACBR) Phạm Văn Hải nhận định, tranh chấp khiếu kiện kéo dài về các vấn đề trong nhà chung cư có thể ảnh hưởng xấu đến tình hình tiêu thụ căn hộ trên thị trường bất động sản. Theo ông, nhiều khả năng thị phần nhà chung cư sẽ bị trầm lắng thêm một thời gian nữa cho đến khi những mâu thuẫn trong các tòa nhà có hướng giải quyết cụ thể hơn.

Một nhà đầu tư căn hộ có thâm niên 10 năm trong nghề nhận xét, việc quản lý và sử dụng nhà chung cư không có tiền lệ, trong khi đó cách thức quản lý vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ và thiếu chuyên nghiệp. Điều này đã dẫn đến những hệ lụy xấu, góp phần hạ nhiệt thị trường căn hộ vốn trầm lắng do bất ổn kinh tế trong thời gian qua. Theo chuyên gia này, môi trường đầu tư căn hộ đã bị ảnh hưởng xấu không chỉ đối với tâm lý khách hàng mà cả các doanh nghiệp có ý định xây dựng nhà chung cư.

Vũ Lê

 

Bài viết liên quan


Dùng ôtô bao vây chung cư để phản đối mức thu phí

Dân chung cư đấu khẩu với chủ đầu tư vì phí quản lý

Phí ở chung cư cao hơn lương tiến sĩ

Cầu độc đạo vào chung cư Gia Phú ‘sống’ thêm 2 tháng nữa

Nguồn: viencanh.com ‘Nội chiến’ nổ ra ở nhiều chung cư

Bình luận về bài viết này