Xem tin Đề xuất tăng lương để ‘níu chân’ các nhà khoa học

Xem tin Đề xuất tăng lương để 'níu chân' các nhà khoa họcNhận định đội ngũ nghiên cứu khoa học hiện nay vẫn còn thiếu, yếu, thậm chí chắp vá, đầu tư, chế độ đãi ngộ cho người hoạt động trong lĩnh vực này chưa phù hợp, các nhà khoa học đã mổ xẻ thực trạng khoa học nước nhà để bàn giải pháp phát triển trong thời gian tới.

Ngày 8/5, hội thảo “Định hướng và giải pháp phát triển khoa học và công nghệ Việt Nam 2010 – 2020” do Tạp chí Tia Sáng (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức đã thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, quản lý, hoạch định chính sách, của các viện nghiên cứu, trường đại học…

PGS-TS. Nguyễn Ngọc Châu, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho biết, theo số liệu năm 2005, đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ nước ta khá đông, với khoảng 4.500-5.000 giáo sư, phó giáo sư và 15.000 tiến sĩ, nhưng chất lượng lại rất yếu.

“Thực tế là hầu hết cán bộ khoa học hiện không biết làm nghiên cứu khoa học và không đáp ứng yêu cầu mới. Nếu tính theo tiêu chí tối thiểu một nhà khoa học ngoài bằng cấp phải có khả năng nghiên cứu sản phẩm, phát minh sáng chế hoặc giải pháp hữu ích thì chúng ta chỉ có khoảng 750-1.000 người”, ông Châu trăn trở.

Viện Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp: Nhiều đề tài khoa học được ứng dụng trong thực tế. Ảnh: TTXVN.
Cán bộ khoa học Viện Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp kiểm tra hàm lượng xơ, tạp chất, nồng độ bột trong đề tài nghiên cứu máy sản xuất chế biến tinh bột sắn. Ảnh: TTXVN.

Còn PGS-TS. Bùi Thiên Sơn, Trưởng ban Chính sách Đầu tư và tài chính KHCN (Viện Chiến lược và chính sách KHCN) nhận định, đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ ở nước ta vẫn chỉ ở quy mô nhỏ, tốc độ gia tăng chậm, sự chọn lọc và hướng ưu tiên còn lúng túng…

Để minh họa cho nhận định trên, ông Sơn dẫn chứng: “Theo thống kê chưa đầy đủ, đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ đang phấn đấu chiếm 2% tổng chi ngân sách (0,45-0,6% GDP) nhưng năm 2006, thực chi chỉ chiếm 80% dự toán. Năm 2006, số chi của Việt Nam cho khoa học công nghệ chỉ hơn 400 triệu USD, trong khi mức chi này ở các nước khác là rất lớn”.

Cho rằng, đặc điểm cơ bản của người làm công ăn lương ở nước ta là hầu hết phải tìm việc làm thêm để có thu nhập ngoài lương, ông Hồ Tú Bảo, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, cho rằng, đang thiếu một môi trường làm việc phù hợp dành cho các nhà khoa học.

“Chúng ta đã và đang rất lãng phí vì những người xuất sắc về khoa học công nghệ phải kiếm sống bằng những việc không liên quan đến sở trường và nghề chính của họ. Một đất nước hơn 80 triệu dân, dù chưa giàu có cũng có thể đầu tư tốt cho những nhóm nghiên cứu mạnh, như vậy mới có thể yêu cầu họ đóng góp xứng đáng”, nhà khoa học này đề xuất.

Cùng quan điểm, PGS-TS. Trần Đức Viên, Hiệu trưởng ĐH Nông nghiệp Hà Nội, nhận định: “Nhìn chung, đội ngũ nhà khoa học hiện nay vẫn còn chắp vá, do vậy cần đào tạo và có đội ngũ khoa học chân chính. Nhưng xây dựng đội ngũ xong, họ làm việc ở đâu? Đó phải là môi trường làm việc tốt, chuyên nghiệp”.

Cũng theo ông Viên, điều ngạc nhiên là các công trình nghiên cứu hiện nay đều yêu cầu 2 năm phải xong hay phải có ứng dụng; phòng thí nghiệm trọng điểm lại làm theo quá trình ngược: mua thiết bị xong rồi mới lo đào tạo, tìm người… “Tuy nhiên, để xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp, sẽ mất ít nhất 10 năm, nhưng không mất nhiều tiền như chúng ta nghĩ”, vị hiệu trưởng này khẳng định.

Về hướng sắp xếp lại đội ngũ nhà khoa học, PGS-TS. Nguyễn Ngọc Châu nhấn mạnh, không có cách nào khác là khuyến khích những người không có khả năng chuyển sang làm trợ lý nghiên cứu, về các doanh nghiệp, hoặc cho nghỉ chế độ 12-24 tháng để tìm việc mới hay làm các công việc khác…

“Nên nhớ rằng, đối với những người không có khả năng nghiên cứu thật sự, dù có được đầu tư cũng không có khả năng tạo ra sản phẩm khoa học công nghệ thật sự. Một khi tồn tại số lượng lớn “các nhà khoa học” dạng này trong hệ thống, chính họ không những là gánh nặng mà còn là vật cản vô hình…”, ông Châu nói.

Để làm được điều này, ông Châu đề xuất, cần thành lập 750-1.000 phòng thí nghiệm do những người đủ tiêu chuẩn đứng đầu. Chính sách lương thưởng cũng cần thay đổi theo nguyên tắc người làm khoa học cần đủ sống để yên tâm làm việc và sáng tạo. Giám đốc phòng thí nghiệm lương 1.000 – 1.500 USD, còn đội ngũ dưới quyền 400 – 800 USD mỗi tháng.

Không đưa ra đề xuất, nhưng GS. Nguyễn Lân Dũng lại nêu thực trạng chảy máu chất xám ngay ở trong nước. Theo đó, hiện những chuyên gia, giáo sư du học ở nước ngoài về làm các viện nghiên cứu hằng tháng nhận mức lương 3 triệu đồng thường bị các doanh nghiệp mời về làm với mức trả lên tới 1.500 USD mỗi tháng.

Cho rằng đến 70-80% kinh phí được cấp cho các đề tài khoa học cấp nhà nước, nhưng nhiều đề tài, công trình “chẳng ra gì mà vẫn gọi là đề tài khoa học“, GS. Hoàng Tụy đề xuất cần xác định thế nào là nghiên cứu khoa học, thế nào là nghiên cứu nghiệp vụ của từng cơ quan, không nên nhầm lẫn giữa hai việc này.

“Lần đầu tiên tôi đi họp ở Bộ KH&CN với ít nhiều hy vọng. Tôi hy vọng Bộ có những chính sách cụ thể, như cải cách tiền lương. Ở các nước, giáo sư, nhà khoa học sống trên mức trung bình của nước đó”, vị giáo sư già mong mỏi.

Theo phân loại của TWAS (Viện Hàn lâm Khoa học thế giới thứ 3), Việt Nam thuộc về nhóm nước đang phát triển lạc hậu về khoa học. Trên thế giới có 79 nước như vậy và riêng trong khu vực ASEAN có 4 nước: Indonesia, Myanmar, Lào và Việt Nam.

Tiến Dũng

 

Bài viết liên quan

Thụy Sĩ trao giải nghiên cứu khoa học cho sinh viên VN
Robot tự nghiên cứu khoa học

Scuderi – tương lai của động cơ đốt trong

Gói kích cầu nếu lạm dụng ắt nảy sinh tiêu cực

Nguồn: viencanh.com Đề xuất tăng lương để ‘níu chân’ các nhà khoa học

Bình luận về bài viết này