Xem TP HCM mất lợi thế thành trung tâm tài chính quốc gia

Xem TP HCM mất lợi thế thành trung tâm tài chính quốc giaSau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các nước chắc chắn sẽ thắt chặt hơn nữa việc di chuyển vốn tự do. TP HCM đã đánh mất những lợi thế mà đáng lý phải có chiến lược tận dụng để trở thành trung tâm tài chính từ cách đây nhiều năm.

Tại hội thảo Chương trình phát triển thị trường tài chính trên địa bàn TP HCM đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, sáng 8/5, nhiều ý kiến của các chuyên gia đã đề cập đến khung pháp lý, nhân tố, điều kiện phát triển trung tâm tài chính; những vấn đề liên quan đến hạ tầng kỹ thuật, nguồn nhân lực, quan điểm, mục tiêu phát triển, lộ trình và giải pháp phối hợp nhằm phát triển thị trường tài chính thành phố.

“Để trở thành một trung tâm tài chính, tiêu chí dòng vốn di chuyển tự do và một đồng tiền chuyển đổi là rất quan trọng. Tuy nhiên, Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng phải còn rất lâu nữa mới đạt được. Đặc biệt là trong tình hình suy thoái kinh tế và khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay, các quốc gia đang tìm mọi cách thắt chặt việc di chuyển vốn tự do”, Giáo sư – Tiến sĩ Trần Ngọc Thơ (Trường Đại học Kinh tế TP HCM) nhận định.

Thành phố cần có hẳn một chương trình và kế hoạch hành động với một tham vọng mãnh liệt. Ảnh: T.A

TP HCM liệu có thể trở thành trung tâm tài chính quốc gia và khu vực? Trả lời cho câu hỏi này, ông Thơ cho rằng, thành phố còn thiếu quá nhiều tiêu chí để trở thành trung tâm tài chính quốc gia. Khi xem xét những chức năng của một trung tâm tài chính không thể gói gọn trong các giao dịch truyền thống quanh đi quẩn lại chỉ có thể nhận tiền gửi, cho vay, bảo hiểm, mà thêm vào đó phải là các giao dịch chứng khoán và công cụ phái sinh ngày càng phát triển, năng động.

9 nhân tố của một trung tâm tài chính:
Thị trường tài chính thông thoáng và công bằng.
– Dòng vốn di chuyển tự do và một đồng tiền chuyển đổi được.
– Lao động có kỹ năng và thị trường lao động linh hoạt.
– Ứng dụng những chuẩn mực quốc tế và tốt nhất.
– Ngôn ngữ giao tiếp toàn cầu là Tiếng Anh.
– Một bộ hệ thống luật lệ có hiệu lực về mặt pháp lý, công bằng, minh bạch và hiệu quả.
– Hệ thống thuế công bằng và có cơ sở.
– Chi phí kinh doanh thấp.
– Hệ thống hạ tầng có chất lượng cao.

Theo ông Thơ, trong khung chuẩn 9 nhân tố để một thành phố trở thành một trung tâm tài chính có tiếng tăm và ổn định lâu dài do Hiệp hội công nghiệp chứng khoán mỹ (SIA) công bố mới đây, TP HCM hầu như không thể đáp ứng được. Trong đó, yếu tố thông thoáng và công bằng của thị trường để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài; cũng như những nhà cung cấp dịch vụ tài chính được cạnh tranh công bằng, trên thực tế thành phố gặp khó vì liên quan đến chính sách vĩ mô trong lộ trình mở cửa thị trường tài chính.

Một thị trường lao động linh hoạt và nguồn lao động có kỹ năng cao cũng nằm ngoài tầm của thành phố. Thậm chí, chỉ tính riêng một chuyện rất nhỏ là các doanh nghiệp nhà nước tại địa bàn không tuân thủ báo cáo tài chính đúng quy định cũng cho thấy thành phố còn rất nhiều việc phải làm. “Đó là chưa kể đến những doanh nghiệp nhà nước do trung ương quản lý thì lại càng ngoài tầm chế tài của chính quyền thành phố”, Tiến sĩ Thơ nhấn mạnh.

Giám đốc Tập đoàn Dragon Capital Dominic Scriven cũng cho rằng, nền tảng pháp luật, vấn đề tự do luân chuyển vốn, tự do luân chuyển nguồn nhân lực là những nhân tố góp phần định vị trung tâm tài chính TP HCM. Là một trung tâm thương mại dịch vụ có quá nhiều thuận lợi nhưng chi phí kinh doanh của TP HCM vẫn còn cao so với các đại phương khác, hệ thống thuế vẫn còn gây phiền toái cho doanh nghiệp. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng chưa được quan tâm đúng mức cũng đã làm “bốc hơi” thế mạnh của TP HCM để trở thành trung tâm tài chính quốc gia.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để có thể trở thành trung tâm tài chính quốc gia, TP HCM cần có một chương trình và kế hoạch hành động với tham vọng mãnh liệt. “Nếu không có một tầm nhìn dài hạn, những quyết sách táo bạo, một nguồn nhân lực có chất lượng được trọng dụng và yếu tố quyết định đó là sự ủng hộ từ Trung ương, thì con đường để TP HCM trở thành trung tâm tài chính quốc gia khó có thể đạt được”, ông Thơ khẳng định.

Tần Vy

 

Bài viết liên quan


George Soros – kẻ khuynh đảo thị trường tài chính thế giới
Tập trung thực hiện dự báo kinh tế VN tại Asia Society 2009
Nghịch lý nhân lực thời suy thoái kinh tế
Đầu tư hạ tầng giao thông để chống khủng hoảng

Nguồn: viencanh.com TP HCM mất lợi thế thành trung tâm tài chính quốc gia

Bình luận về bài viết này