Bài Quỹ đầu tư không dám mơ tới lợi nhuận

Một số quỹ đầu tư dự báo Vn-Index ở mức 400 điểm vào cuối năm và cho rằng, lợi nhuận vài phần trăm – tương đương tốc độ tăng trưởng GDP đã là thành công.

Trưởng đại diện một công ty quản lý quỹ tại Hà Nội cho rằng, nhận định được đưa ra từ đầu năm về những khó khăn với các quỹ đầu tư còn nguyên “hiệu lực”. Vn-Index đang quay đầu đi xuống, khiến giá trị của danh mục đầu tư của các quỹ cũng giảm theo.

Thời điểm tệ hại nhất với quỹ này là cuối tháng 1, khi thị trường rớt mạnh dịp gần Tết nguyên đán. Cuối tháng 3 tình hình sáng sủa hơn hẳn, nhưng vị này cho rằng, giá trị danh mục đầu tư ở cuối tháng 4 cũng không khả quan, khi thị trường lại đi xuống từ hơn một tuần gần đây. Bản thân quỹ này cũng không không còn nhiều tiền, trong khi việc huy động thêm vốn hay gây quỹ mới cũng ít có khả năng thành công.

Trong đợt thị trường tăng mạnh cuối tháng 3 vừa qua cùng động thái mua ròng của khối ngoại, giới đầu tư trong nước phỏng đoán về khả năng nhà đầu tư nước ngoài gom cổ phiếu để “làm đẹp” giá trị tài sản ròng (Net Asset Value – NAV). Tuy vậy, nhìn chung, dữ liệu này tại các quỹ cũng không có sự cải thiện đáng kể. VinaCapital, quỹ đầu tư lớn hàng đầu trên thị trường, thông báo NAV trên mỗi đơn vị quỹ (NAVPS) của VOF tại thời điểm 31/3 tăng 0,1% so với tháng 2. Song giá trị tính từ đầu năm đến thời điểm này giảm 3,3%. Với 2 quỹ khác thuộc VinaCapital là VNL và VNI, NAVPS tại thời điểm 31/3 lần lượt giảm 5,2% và 3,1% so với tháng 12/2008.

Trước đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) cho biết, tính đến cuối tháng 12/2008, giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài vào khoảng 4,6 tỷ USD, giảm gần 4 tỷ USD so với đầu năm 2008 – thời điểm giá trị danh mục đầu tư lớn nhất.

Hiện một số quỹ đưa ra nhận định, Vn-Index có khả năng ở ngưỡng 400 điểm vào cuối năm nay, đồng thời xác định tiếp tục chờ đợi qua thời điểm này. Vị trưởng đại diện quỹ tại Hà Nội cho rằng, mức điểm này là phù hợp với diễn biến thị trường và tình hình nền kinh tế hiện nay. Quỹ đầu tư mới thành lập Thăng Long Meritz (TLM Capital) cũng đưa ra nhận định về mức điểm 400, và cho rằng, quỹ đi vào hoạt động trong thời điểm này nhằm chuẩn bị cho thời điểm hồi phục là chính.

Ông Choi Chang Hoon, Giám đốc Khối đầu tư của TLM Capital giữ thái độ thận trọng về diễn biến thị trường: “Đây có thể là thời điểm tốt để đầu tư vào thị trường Việt Nam, bởi chúng tôi đã thấy đáy của Vn-Index trong thời gian qua. Tuy vậy, nền kinh tế đã đến đáy hay chưa thì chúng tôi chưa thể khẳng định”.

Một số dữ liệu về kinh tế vĩ mô được công bố cho thấy dấu hiệu tích cực, cũng như các chính sách kích cầu đang được thực hiện, song lãnh đạo các quỹ này đều cho rằng, cần thêm thời gian để kiểm nghiệm về diễn biến thị trường.

Trong báo cáo về kinh tế Việt Nam công bố hôm 22/4, Citibank nhận định, tăng trưởng sẽ chậm lại và tín dụng gia tăng. Tập đoàn ngân hàng này hạ thấp dự báo về tăng trưởng GDP năm nay từ 4,3% xuống 3,3%, bởi nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu và đầu tư của Việt Nam sẽ tiếp tục chịu tác động của suy thoái toàn cầu. Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trước đó đưa ra dự báo tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay lần lượt là 5,5% và 4,75%.

Chủ tịch một quỹ đầu tư cho biết, với kỳ vọng lợi nhuận là tốc độ tăng trưởng GDP trong năm nay, nếu đạt được con số này đã là rất tốt. Bản thân lãnh đạo quỹ cũng không đặt nặng mục tiêu vào kết quả lợi nhuận trong năm, mà nghĩ tới kết quả dài hạn hơn. “Nếu tối đa hóa lợi nhuận trong năm nay, thì có thể lại mất cơ hội những năm sau”, ông này cho biết.

Ông cho rằng, với đặc điểm nguồn vốn của nhà đầu tư Việt Nam chỉ tập trung ở thị trường trong nước, chứ chưa thể ra đầu tư ở nước ngoài, thì nguồn tiền trong dân còn lớn và có cơ sở để lạc quan về triển vọng dài hạn.

Ngọc Châu

 

Bài viết liên quan


3ADB: Việt Nam tăng trưởng 4,5% năm 2009

Định vị Việt Nam trong tương lai

‘VN chưa tận dụng hết cơ hội hội nhập’

Muôn vẻ chống suy thoái trong nhóm G20

Nguồn: viencanh.com Quỹ đầu tư không dám mơ tới lợi nhuận

Bình luận về bài viết này