Xem Hà Nội sẽ có trách nhiệm với các dự án bị dừng đầu tư

Xem Hà Nội sẽ có trách nhiệm với các dự án bị dừng đầu tưTrả lời chất vấn của đại biểu HĐND, Phó chủ tịch Hà Nội Phí Thái Bình khẳng định, thành phố sẽ nghiên cứu phương án để tránh thiệt thòi cho các nhà đầu tư dự án thuộc diện phải dừng hẳn.

Sáng 21/4, lãnh đạo Hà Nội giải trình về các dự án xây dựng trên địa bàn sau khi sáp nhập. Theo đó, có 744 đồ án, dự án với diện tích trên 75.000 ha, trong đó, 389 dự án khu đô thị mới, khu nhà ở hỗn hợp với hơn 39.000 ha.

Vấn đề được các đại biểu quan tâm là việc “nở rộ” hàng trăm dự án ngay sau khi thủ đô mở rộng. Hà Nội đã sáp nhập được 8 tháng, nhưng quy hoạch vùng thủ đô chưa có, trong khi, hàng trăm dự án đầu tư, phân bổ và chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã được các địa phương gấp rút ký trước ngày sáp nhập về thủ đô.

Theo Phó chủ tịch UBND Hà Nội Phí Thái Bình, thành phố đang sắp xếp thành các nhóm dự án: được tiếp tục triển khai, điều chỉnh khi triển khai hoặc tạm ngừng chờ quy hoạch Hà Nội mở rộng và ngừng hẳn. Nhóm ngừng hẳn là nằm trong hành lang thoát lũ, phân chậm lũ; các khu vực cấm và hạn chế xây dựng…

Theo lãnh đạo Hà Nội, việc rà soát các dự án trên địa bàn thủ đô mở rộng là khó khăn và nhạy cảm. Ảnh minh họa: Nguyễn Hưng.

Trước những giải trình của ông Bình, đại biểu Phạm Thị Loan đặt câu hỏi, tiêu chí nào để xác định dự án được tiếp tục hay ngừng lại. “Nếu tạm dừng các dự án đang triển khai thì các chủ đầu tư đã và đang đổ công sức, tiền sẽ được đền bù thế nào?”, bà Loan nêu vấn đề.

Theo Phó chủ tịch Phí Thái Bình, đây là việc khó khăn và nhạy cảm. Trước khi hợp nhất, các địa phương đều căn cứ vào mục tiêu chiến lược riêng cộng với các nhu cầu của chủ đầu tư để xem xét phê duyệt dự án. Hiện, Bộ Xây dựng đã hoàn tất báo cáo Chính phủ việc rà soát đồ án quy hoạch và dự án đầu tư trên địa bàn thủ đô sau ngày sáp nhập. Hà Nội cũng sẽ trực tiếp báo cáo với Chính phủ vào tháng 6 này.

“Đối với các nhà đầu tư, các chủ đầu tư có đồ án, dự án trong nhóm phải dừng hẳn, thành phố sẽ nghiên cứu, tuỳ theo mức độ đã đầu tư để đề xuất phương án xử lý, đền bù hợp lý, đảm bảo quyền lợi, tránh thiệt thòi cho nhà đầu tư”, ông Bình khẳng định.

Đại diện cho những người dân chịu ảnh hưởng bởi các dự án thu hồi đất, đại biểu Bùi Thị An nêu câu hỏi về hướng giải quyết đời sống của họ hậu giải phóng mặt bằng. Ông Bình thừa nhận thành phố chưa làm tốt khâu này, tình trạng thiếu hạ tầng xã hội như trường học, nhà trẻ khá phổ biến. “Các ý kiến đại biểu sẽ được lãnh đạo thành phố tiếp thu, sau này có báo cáo cụ thể”, ông Bình nói.

Cũng trong phiên chất vấn hôm qua, nhiều đại biểu HĐND băn khoăn về tình trạng ô nhiễm của Hà Nội. Theo bà Phạm Thị Thành trên đường phố thủ đô không khó bắt gặp cảnh chuột chết, rác thải bừa bãi, túi nilon bay… “Tôi đề nghị thành phố cần có kế hoạch tuyên truyền thích hợp bởi ý thức của dân ngày có chiều hướng đi xuống, môi trường ngày càng ô nhiễm”, bà Thành nói.

 

ảnh
Đại biểu Phạm Thị Loan phát biểu tại hội trường. Ảnh: PV

Tỏ vẻ lo lắng, đại biểu Vũ Mạnh Hải đề cập đến nguồn nước thải và nước sinh hoạt ngày càng ô nhiễm, nước sông đặc quánh và yêu cầu thành phố cho biết công trình môi trường nào được thực hiện dịp 1.000 năm Thăng Long.

Trả lời các đại biểu, Phó chủ tịch Nguyễn Văn Khôi cho rằng, thành phố đã có kế hoạch tuyên truyền vệ sinh môi trường đến năm 2010 và tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm. Các hành vi đổ rác ra đường, vận chuyển để rơi vãi rác thải đều bị xử lý. Thành phố cũng đang xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại Yên Sở và cải tạo các hồ.

Phó chủ tịch UBND Vũ Hồng Khanh cũng cho biết, các đề án về sông Nhuệ và sông Đáy đã được 5 tỉnh trên lưu vực sông tập trung khảo sát, nghiên cứu. Thành phố Hà Nội đã xây dựng đề án nạo vét, cải tạo sông Nhuệ để đảm bảo tiêu thoát nước.

Liên quan đến dự án khách sạn SAS Royal Hotel nằm trong công viên Thống Nhất vấp phải nhiều ý kiến phản đối của nhiều kiến trúc sư, chuyên gia quy hoạch, ông Tô Anh Tuấn, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc, cho biết: “Khách sạn SAS là dự án đầu tư nước ngoài được cho phép thực hiện từ năm 1989. Khi đó, lợi ích kinh tế được đặt lên trên các lợi ích khác như môi trường, văn hóa”.

Hiện khách sạn đã hoàn tất phần móng cọc, vốn đầu tư đã thực hiện khoảng 14,5 triệu USD. Theo ông Tuấn, phần móng cọc này sẽ được tận dụng xây dựng công trình giải trí cho công viên Thống Nhất.

Ngày 13/4, Thủ tướng chỉ đạo ngừng xây dựng khách sạn 4 sao SAS Hanoi Royal và giao UBND Hà Nội phối hợp với các cơ quan liên quan lựa chọn một địa điểm khác, giới thiệu cho nhà đầu tư thực hiện dự án, đồng thời đánh giá, xác định kinh phí do công ty liên doanh đã đầu tư và đề xuất phương án xử lý.

Đoàn Loan – Nguyễn Hưng

 

Bài viết liên quan


Đánh giá lại hiệu quả của dự án bô-xít Tây Nguyên

Gom cổ phiếu để được dự đại hội cổ đông

Vốn kích cầu TP HCM dồn cho dự án hạ tầng trọng điểm

Không bán đất công viên Thống Nhất để xây khách sạn

Nguồn: viencanh.com Hà Nội sẽ có trách nhiệm với các dự án bị dừng đầu tư

Bình luận về bài viết này