Tin Cướp biển – nghề kiếm bộn tiền

Tin Cướp biển - nghề kiếm bộn tiềnMột “ngành nghề” không mới nhưng đang thu hút sự chú ý của toàn thế giới là hải tặc bởi nó giúp hái ra tiền nhanh nhất hiện nay, có thể sẽ vượt qua cả ngành phần mềm khổng lồ của Mỹ.

Một “tàu con” chở toán cướp biển được trang bị rocket. Ảnh: Time

Mỗi năm, tăng trưởng lợi nhuận tối đa mà đại gia phần mềm Mỹ Microsoft đạt được là 60%, nhờ vào kinh doanh phần mềm, vận hành máy chủ và các dịch vụ khác. Tại châu Phi kém phát triển, hải tặc Somali cũng đang kiếm được con số tương đương nhờ vào việc cướp bóc.

Tờ New York Times từng ước tính hải tặc Somali thu được 50 triệu USD trong năm 2008. Năm nay, con số có thể tăng 4 lần, do “ngành kinh doanh” ngày càng phát triển. Mặc dù nhiều hạm đội hải quân lớn, kể cả của Mỹ, đang lùng sục khắp nơi để ngăn chặn sự lộng hành của hải tặc, nhưng số lượng các nạn nhân sa lưới vẫn ngày càng tăng với tốc độ chóng mặt.

Tính trung bình, mỗi vụ bắt cóc chúng đòi 2 triệu USD tiền chuộc cho cả tàu lẫn thủy thủ. Một số trường hợp đặc biệt, mức phí có thể lên hơn 5 triệu USD. Với tốc độ “tăng trưởng” như hiện nay, sẽ có khoảng 80 đến 120 tàu trở thành nạn nhân của bọn hải tặc trong 2009, đem lại cho chúng hơn 200 triệu USD.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy cứ ba con mồi lọt vào tầm ngắm của bọn hải tặc sẽ có một tàu bị chúng đánh cướp thành công. Tạp chí 24/7 Wall St. ước tính thời gian gần đây trung bình mỗi ngày hải tặc Somali tóm một nạn nhân. Riêng đầu tuần trước, có lúc chỉ trong một ngày bọn hải tặc Somali kiếm được 4 “hợp đồng” mới.

Tuy thu được lợi nhuận khổng lồ nhưng bọn hải tặc Somali cũng tốn không ít cho các chi phí bảo kê, mua tàu bè, duy trì ăn ngủ cho khoảng 500 tên cướp biển. Chúng phải bỏ ra hàng triệu USD để trang bị vũ khí hiện đại, hệ thống định vị và radar tối tân nhất.

Người ta đồn rằng đội quân hải tặc Somali phải trả phí bảo kê cho người đứng đầu khu tự trị Puntland thuộc nước Somali là Mohamud Muse Hirsi. Hầu hết các “tàu mẹ” của hải tặc Somali thường neo tại cảng Puntland rồi từ đây tỏa đi khắp các vùng biển. Đến vị trí thích hợp, “tàu mẹ” thả toán “tàu con” ra và ung dung chờ con mồi tới. Để đảm bảo không bị quốc tế can thiệp hoặc bắt giữ khi ở trên đất liền, bọn hải tặc phải trả một phần ba số lợi nhuận thu được cho giới lãnh đạo Puntland. Điều này có nghĩa là trong năm nay, hải tặc Somali sẽ tốn tới 65 triệu USD cho Mohamud Muse Hirsi và tay chân.

Cộng với những chi phí khác, mỗi năm hải tặc Somali tốn tổng cộng 76 triệu USD, theo ước tính của giới nghiên cứu. Tuy nhiên đây vẫn là ngành nghề siêu lợi nhuận ở quốc gia nhỏ bé này, nơi thu nhập bình quân đầu người của người dân không quá 600 USD mỗi năm.

Do đó, những tên hải tặc Somali khó có thể bỏ “nghề” và thế giới sẽ vẫn còn đau đầu trong việc bảo vệ tàu bè và công dân của họ đang lênh đênh trên biển.

Thanh Bình (theo Time)

 

Bài viết liên quan


Cướp biển Somali chiếm tàu Đức

Hải tặc Somali bắt hai tàu châu Âu

4 thủy thủ Việt Nam thoát khỏi hải tặc Somali

Giải cứu con tin khỏi tay hải tặc

Nguồn: viencanh.com Cướp biển – nghề kiếm bộn tiền

Bình luận về bài viết này