Bài Thâu tóm doanh nghiệp: Vừa làm vừa tính

Bài Thâu tóm doanh nghiệp: Vừa làm vừa tínhKế hoạch sáp nhập và “hòa” cổ phiếu của 3 doanh nghiệp họ Sông Đà trên sàn Hà Nội đã qua được khâu rất khó, là giành được sự chấp thuận của cổ đông. Nhưng đường chưa ai đi, doanh nghiệp phải dò dẫm từng bước.

Trong trường hợp 2 công ty Sông Đà 6.04 (mã S64) và Sông Đà 6.06 (SSS) sáp nhập với công ty mẹ là Sông Đà 6, đây sẽ là những doanh nghiệp niêm yết đầu tiên sáp nhập. Đại hội đồng cổ đông của cả 3 công ty mới đây đã chấp nhận chủ trương của hội đồng quản trị.

Hiện Sông Đà 6 (SD6) nắm 41% cổ phần của S64 và 50% cổ phần SSS. Thực tế, bộ máy lãnh đạo của 3 doanh nghiệp này hầu như không có sự tách biệt, khi thành viên hội đồng quản trị của công ty này là chủ tịch, hoặc nắm vị trí trong ban lãnh đạo công ty kia. Với vốn điều lệ 20 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu 160 tỷ đồng, S64 chưa đủ lực để thực hiện các dự án lớn, và thương hiệu cũng chưa đủ mạnh để cạnh tranh trên thị trường. Trong năm 2007-2008, công ty này thiếu việc, công ty mẹ SD6 đã phải chuyển lại một phần việc tại Nhà máy Thủy điện Sê San (Gia Lai). Việc sáp nhập S64 và SSS vào SD6 sẽ tạo nguồn vốn cho công ty mẹ để thực hiện các công trình lớn, cũng như tránh việc nguồn vốn, nhân sự bị phân tán.

Hoạt động thâu tóm đang xuất hiện ở những công ty khác, chứ không chỉ 3 doanh nghiệp họ Sông Đà. Ảnh minh họa: Hoàng Hà .

Dự kiến tới đây đơn vị tư vấn sẽ lên kế hoạch cụ thể để SD6 trình ban lãnh đạo Tổng công ty Sông Đà cũng như Ủy ban Chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội, nơi 3 cổ phiếu này niêm yết. Bước tiếp theo là triệu tập đại hội cổ đông để trình bày về kế hoạch sáp nhập và “hòa” cổ phiếu, đồng thời xin rút niêm yết đối với S64, SSS. Tổng công ty Sông Đà cũng đồng ý với chủ trương sáp nhập của 3 doanh nghiệp này, khi người đại diện vốn nhà nước tại SD6 đã bỏ phiếu tán thành.

Chủ trương đã được chấp nhận, song theo ông Hồ Sỹ Hùng, Chủ tịch SD6 và là thành viên hội đồng quản trị S64 và SSS, thực hiện như thế nào vẫn còn là quãng đường dài.

Mục tiêu sáp nhập của 3 doanh nghiệp thuộc họ Sông Đà là đảm bảo lợi ích của cổ đông, hoạt động của công ty và thị trường sau khi quy về một mối. Nhưng từ chủ trương được đại hội đồng cổ đông thông qua, một loạt việc cần được tính toán, như tìm ra quy trình chung để hòa đồng 3 cổ phiếu, định giá lại tài sản 3 công ty, quyền lợi của doanh nghiệp mua và bị mua lại, tránh xung đột lợi ích của doanh nghiệp với các cổ đông.

Công ty chứng khoán ACB (ACBS), đơn vị được lựa chọn tư vấn cho quá trình sáp nhập của 3 doanh nghiệp Sông Đà, dự định đưa ra nhiều phương án để cổ đông lựa chọn, trong đó giải trình về cách tính tỷ lệ hòa đồng cổ phiếu. Với các cổ phiếu đang niêm yết, tính đại chúng hóa cao, việc tìm ra phương án tối ưu cho cổ đông là bài toán khó. “Phương án tối ưu là đảm bảo sự hài lòng của cổ đông, cũng như các chỉ số EPS, ROA, ROE…”, ông Phạm Tuấn Long, Giám đốc chi nhánh ACBS tại Hà Nội cho biết.

Nhưng theo ông Long, khó nhất đối với đơn vị tư vấn là làm sao tìm ra cơ sở pháp lý vững chắc cho kế hoạch này. Hiện ACBS tìm cơ sở pháp lý từ Luật Doanh nghiệp, và một số văn bản dưới luật của cơ quan quản lý thị trường. Việc sáp nhập của 3 doanh nghiệp Sông Đà mới đây đã được cơ quan quản lý “bật đèn xanh”. Trong thời gian chưa có khung pháp lý hướng dẫn, sau khi nộp hồ sơ lên Ủy ban chứng khoán, doanh nghiệp thực hiện sáp nhập sẽ được hướng dẫn.

Chi phí doanh nghiệp sáp nhập phải trả cho đơn vị tư vấn không lớn, khoảng hơn 100 triệu đồng, trong khi đơn vị này sẽ phải “đào xới” các văn bản luật để tìm cơ sở. “Nhu cầu sáp nhập là có thật trong các doanh nghiệp và đây có thể là hướng thị trường mới’, ông Phạm Tuấn Long giải thích. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đã qua thời kỳ sôi nổi, nhu cầu thâu tóm, sáp nhập nảy sinh ở nhiều doanh nghiệp Việt Nam, chứ không chỉ các quỹ đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài. Trước nay, hoạt động thâu tóm chủ yếu diễn ra ở các quỹ đầu tư, bởi hoạt động này tại doanh nghiệp còn liên quan đến nhân sự, cổ đông và tài sản nhà nước.

Theo ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB), với các công ty có quan hệ gắn bó với nhau và hoạt động thâu tóm có thể tạo nên sức mạnh, thì sáp nhập là việc nên làm. “Có thể cho phép những doanh nghiệp này phát hành thêm để mua lại công ty, thực hiện thâu tóm qua cổ phần”, ông Nguyễn Thanh Kỳ đề xuất. Ông cũng cho rằng, nên sớm có văn bản hướng dẫn hoạt động sáp nhập, bởi đây là hoạt động đang phát sinh ở nhiều doanh nghiệp.

Ngọc Châu

 

Bài viết liên quan

Lần đầu tiên có 3 cổ phiếu tính chuyện sáp nhập Cổ đông SSS đồng ý sáp nhập với SD6
Doanh nghiệp vốn dưới 80 tỷ đồng chuyển khỏi sàn TP HCM

Gom cổ phiếu để được dự đại hội cổ đông

Nguồn: viencanh.com Thâu tóm doanh nghiệp: Vừa làm vừa tính

Bình luận về bài viết này