Tin Dấu hỏi đằng sau động thái mua ròng của khối ngoại

Tin Dấu hỏi đằng sau động thái mua ròng của khối ngoạiSự chuyển hướng của khối ngoại sang mua ròng trọn tuần qua, với giá trị phiên sau cao hơn phiên trước, khiến nhà đầu tư trong nước vừa phấn khởi vì có thêm hỗ trợ cho thị trường, vừa băn khoăn liệu động thái này còn kéo dài sang tuần tới.

Tính đến phiên cuối tuần 27/3, nhà đầu tư nước ngoài đã có 8 phiên mua ròng, trong đó cả 5 phiên của tuần này đều chứng kiến giá trị mua vào lớn hơn bán ra. Tổng cộng 19,56 triệu cổ phiếu được khối này gom vào, so với 9,4 triệu đơn vị bán ra. Tính chung, chênh lệch về giá trị đạt 305,48 tỷ đồng.

Phiên cuối tuần, sức cầu của khối ngoại có phần giảm sút so với những phiên trước, nhưng giá trị mua vào tại sàn TP HCM vẫn đạt trên 78 tỷ đồng. Họ mua vào tổng cộng 74 mã chứng khoán, trong đó REE được mua nhiều nhất với trên 453.600 đơn vị, chiếm 23% khối lượng mua vào của khối. DPM, HPG, PPC cũng là những mã được tích cực gom vào.

Trong các phiên, khối ngoại đều chọn lọc blue-chip để mua. Theo Phòng phân tích của Công ty chứng khoán Eurocapital, động thái của khối ngoại có thể xuất phát từ nhu cầu “làm đẹp” giá trị tài sản ròng (Net Asset Value – NAV) của các quỹ trước thời điểm báo cáo quý I vào ngày 31/3 tới. Vào thời điểm cuối mỗi quý, nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng áp dụng kịch bản này.

Thị trường trong tuần được dẫn dắt bởi một loạt blue-chip, song về cuối tuần, giới đầu tư bắt đầu chốt lời ở các mã này. Ảnh: Hoàng Hà

Trong khi đó, một số nhà phân tích cho rằng, hành động mua ròng của khối ngoại xuất phát từ diễn biến thị trường đang đi lên, khiến cơ hội của khối này tăng lên. Mặt khác, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài mới là lực hỗ trợ, chứ chưa đủ sức tạo nên xu thế cho thị trường. Trong tuần, thời điểm giá trị giao dịch của khối ngoại có tỷ lệ cao nhất so với toàn thị trường là hôm 25/3, với 26,9% giao dịch tại sàn TP HCM.

Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó phòng phân tích, Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho rằng, hiện nhà đầu tư tổ chức cũng như khối ngoại còn nắm giữ lượng tiền đồng lớn trong tài khoản. Song cầu từ nhà đầu tư nội địa vẫn có vai trò quyết định đối với thị trường. “Ngay từ những tuần trước khi nhà đầu tư nước ngoài bán ròng, và ngay cả những phiên thị trường Mỹ đi xuống, nhà đầu tư trong nước đã gom vào”, ông Quang giải thích.

Trong tuần, thị trường được dẫn dắt bởi các blue-chip, với những mã tiêu biểu DPM, HPG, PPC, PVF. STB vẫn dẫn dầu thị trường về khối lượng khớp lệnh, nhưng về cuối tuần liên tục bị bán ra, trong đó nhiều lệnh xuất phát từ nhà đầu tư tổ chức. Sau 4 trong 5 phiên của tuần tăng điểm, Vn-Index chốt tại 287,41, lấy thêm 20,79 điểm so với tuần trước. Khối lượng và giá trị giao dịch trung bình tiếp tục tăng mạnh, với trung bình 24,8 triệu đơn vị qua khớp lệnh trong mỗi phiên, trị giá 532,8 tỷ đồng. Con số trung bình của tuần trước lần lượt là 21,6 triệu đơn vị và 417,1 tỷ đồng.

Những phiên đan xen tăng điểm và điều chỉnh trong 2 tuần qua của thị trường, trong đó phiên giảm mạnh nhất cũng tới gần 4% nhưng thanh khoản vẫn rất tốt khiến giới đầu tư lấy lại phần nào niềm tin. 3 phiên liên tiếp trong tuần qua bắt đầu thể hiện xu hướng đi lên, song theo giới đầu tư, xu thế này có được củng cố hay không phụ thuộc vào diễn biến và thanh khoản 2 phiên đầu tuần tới.

Phiên cuối tuần 27/3, thị trường chứng kiến những đợt sóng chốt lời lớn liên tiếp, trong đó mạnh nhất là 2 đợt sóng trong đợt khớp lệnh liên tục, và kéo lùi Vn-Index xuống dưới 290 điểm vào cuối phiên. Nhờ sức cầu lớn, thị trường có thêm một phiên tăng điểm, song giá đóng cửa thấp hơn giá mở cửa.

Trên thị trường, một số nhà đầu tư đã bàn luận về diễn biến phiên cuối tuần giống như một phiên tạo đỉnh và khả năng nhiều nhà đầu tư tiếp tục tranh thủ sóng để chốt lời, rồi chờ sau các phiên điều chỉnh mới lại vào thị trường. Thực tế, nhiều nhà đầu tư trong nước đã gom lượng cổ phiếu lớn ngay từ khi Vn-Index vẫn đang chập chờn quanh ngưỡng 240-260 điểm, trước khi thị trường tạo được đà đi lên và khối ngoại chuyển sang mua ròng. So với thời điểm đó, hiện giá các blue-chip đều đã tăng khoảng 30-40%.

Theo ông Nguyễn Hồng Quang, nhiều khả năng dòng tiền có tiếp tục chảy vào thị trường hay không sẽ chịu tác động của thị trường thế giới, bởi hiện nay chưa có nhiều thông tin trong nước có vai trò quyết định. Trong trường hợp thị trường quốc tế tăng điểm, những nhà đầu tư đã chốt lời trong 2 phiên qua sẽ tiếp tục đưa tiền vào thị trường để tìm thêm cơ hội. Nhưng nếu thị trường thế giới đi xuống, có khả năng những nhà đầu tư này sẽ đứng ngoài thị trường cho tới khi có “sóng” mới. Khi đó, thị trường sẽ tích tụ chờ xu hướng, cho đến khi giá xuống thêm, nhà đầu tư lại gom vào.

Ngoại trừ phiên 25/3 HaSTC-Index mất điểm khi Vn-Index tăng, diễn biến của sàn Hà Nội theo sát xu hướng của sàn TP HCM. Phiên 26/3, HaSTC-Index tái lập mốc 100 điểm, nhưng ngay hôm sau đã để mất mốc này và chốt tuần tại 98,57 điểm. Giá trị giao dịch tăng, song khối lượng giảm nhẹ so với tuần trước, lần lượt đạt 270,2 tỷ đồng và 13,66 triệu đơn vị. Giá trị và khối lượng giao dịch trung bình của tuần trước là 261 tỷ đồng và 14,1 triệu đơn vị

Ngọc Châu

 

Bài viết liên quan


Chứng khoán 2 sàn chậm bước tiến

Bơm tiền vào chứng khoán chờ thời cơ

Đón nhận tin tốt, Vn-Index đi lên

‘Tháng 10 mới nên xem xét đầu tư chứng khoán’

Nguồn: viencanh.com Dấu hỏi đằng sau động thái mua ròng của khối ngoại

Bình luận về bài viết này