Hơn nửa số nhân viên nghỉ việc lấy cắp dữ liệu

Hơn nửa số nhân viên nghỉ việc lấy cắp dữ liệuTại Hội thảo quốc gia về an ninh bảo mật (Security World 2009) diễn ra các ngày 24-25/3 ở Hà Nội, hãng Symantec nhận định, dưới tác động của khủng hoảng tài chính, nguy cơ rò rỉ thông tin từ nhân tố bên trong đang ngày một tăng cao.

Kết quả nghiên cứu do Symantec công bố cho thấy 59% nhân viên nghỉ việc hoặc bị đề nghị thôi việc đang ăn trộm dữ liệu, dù 79% trong số đó biết họ không được phép và cũng chỉ 15% các tổ chức tiến hành kiểm tra lại các văn bản bị đánh cắp.

“Khủng hoảng kinh tế làm cho các tổ chức, doanh nghiệp phải vật lộn với những vấn đề tài chính lớn mà sao nhãng an ninh thông tin. Việc ra đi của những nhân viên có nhiều năm làm việc trong tổ chức kéo theo việc thất thoát dữ liệu có giá trị cao vì họ nắm rõ cách thức lưu trữ bảo quản, điểm yếu trong quản lý thông tin”, ông Trần Nguyên Vũ, Phó cục trưởng Cục tin học thống kê tài chính, Bộ tài chính, đánh giá.

Các diễn giả tại Security World 2009 tin rằng dù thu nhập giảm sút, ngân sách cho bảo mật vẫn lớn hơn các lĩnh vực khác trong ngành IT. Theo thống kê của công ty Symantec, các doanh nghiệp vừa và lớn có mức tăng trưởng dữ liệu khoảng 50% một năm, nói cách khác lượng thông tin cần được quản lý sẽ nhân đôi sau 2 năm nên việc đầu tư cho an ninh không thể suy giảm.

Vic Mankotia, Symantec.
Vic Mankotia, Symantec.

Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa xây dựng giải pháp tổng thể về bảo mật. “Rất nhiều khách hàng đến khi gặp sự cố mới liên hệ với chúng tôi và hỏi giờ phải làm gì. Họ cũng chỉ quan tâm đến cách khắc phục riêng lẻ như khi hệ thống bị nhiễm virus thì đi mua phần mềm diệt virus”, ông Vic Mankotia, Phó chủ tịch phụ trách bộ phận Kinh doanh và Dịch vụ của Symantec khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nhận xét. “Ngay từ đầu doanh nghiệp nên ước tính nếu bị tấn công và rò rỉ thông tin thì mức độ thiệt hại sẽ lớn tới mức nào, từ đó xây dựng cơ chế bảo mật toàn diện để hạn chế tối đa hậu quả”.

Sự phổ biến của các ứng dụng web tương tác như blog, mạng xã hội, podcast và wiki cũng làm nảy sinh hàng loạt thách thức. Khi doanh nghiệp Việt Nam mở rộng phạm vi ra ngoài lãnh thổ và dùng Internet trong truyền thông, kinh doanh, chuyện bảo mật vật lý không còn đóng vai trò chủ chốt nữa. “Bảo mật không thể chỉ đơn thuần là khóa mọi thứ lại mà nên xây dựng chính sách hợp lý, ‘nhúng’ trong mọi quy trình nhằm đảm bảo thông tin và những giao dịch trực tuyến của công ty được an toàn”, Mankotia khẳng định. “Với một hạ tầng quản lý tốt, các tổ chức tại Việt Nam sẽ thấy được rất nhiều lợi ích, trong đó có việc kiểm soát tài nguyên bên trong và bên ngoài, tăng hiệu suất lao động và giảm chi phí”.

Hội thảo – Triển lãm quốc gia về an ninh bảo mật (Security World 2009) lần thứ tư này do Tổng cục kỹ thuật – Bộ công an, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông và Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG Việt Nam phối hợp tổ chức. Security World 2009 tập trung đến các vấn đề thời sự của lĩnh vực an toàn thông tin trong bối cảnh suy thoái kinh tế hiện nay như làm sao để xây dựng được chiến lược bảo mật hiệu quả với mức chi phí thấp.

Hội nghị diễn ra song song với triển lãm những phần mềm hệ thống, thiết bị và giải pháp tiên tiến về phòng chống virus, spam, spyware, bảo mật ứng dụng web… từ các công ty Symantec, IBM, CE Infosys, Nokia, Bkis…

Lê Nguyên

 

Bài viết liên quan

Nhân viên ngân hàng rút trộm 50.000 USD của khách
Doanh nghiệp trên sàn vật lộn với khủng hoảng

Kiểm soát báo cáo tài chính để tránh ‘sốc’ cho nhà đầu tư

Loạn phí vay vốn ngân hàng

Nguồn: viencanh.com Hơn nửa số nhân viên nghỉ việc lấy cắp dữ liệu

Bình luận về bài viết này