Dự luật điện ảnh cởi mở hơn với yếu tố ngoại

Dự luật điện ảnh cởi mở hơn với yếu tố ngoạiDù đang dự thảo và còn nhiều bàn cãi, Luật điện ảnh sắp tới sẽ sửa đổi theo hướng mở rộng cửa cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài muốn sản xuất phim ở Việt Nam. Theo đó, giới làm phim trong nước sẽ vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt hơn trong tương lai.

Phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật điện ảnh diễn ra sáng 19/3 thu hút sự tham gia thảo luận của nhiều thành viên. Những vấn đề chính của dự thảo được quan tâm nhất gồm: Xóa bỏ hạn ngạch nhập khẩu phim; Thành lập và quản lý doanh nghiệp điện ảnh; Bảo hiểm cho phim, đoàn làm phim; Quản lý nhà nước về điện ảnh…

Nhằm bảo hộ nền điện ảnh trong nước, Luật điện ảnh hiện hành đưa ra những quy định hạn chế nhập khẩu phim. Theo đó, doanh nghiệp phát hành muốn nhập khẩu phim phải có rạp; còn doanh nghiệp sản xuất phim không được nhập quá 2 lần số lượng phim mình sản xuất; các đài truyền hình không được nhập quá 2 lần số tập phim sản xuất.

Cảnh trong phim Cú và chim se sẻ – bộ phim đoạt giải Phim hợp tác với nước ngoài tại giải Cánh Diều Vàng 2008.

Tuân thủ đúng những cam kết với WTO, dự thảo luật đã phải xóa bỏ quy định về hạn ngạch nhập khẩu phim. Nhưng điều kiện đối với doanh nghiệp nhập khẩu được quy định chặt hơn trước: “Doanh nghiệp điện ảnh có rạp chiếu phim được quyền nhập khẩu phim theo quy định của pháp luật…”.

Ông Huỳnh Ngọc Sơn – Phó chủ tịch Quốc hội – cho rằng, điều kiện có rạp chiếu phim được nêu ra không thật rõ ràng. Bởi hiện nay, có rất nhiều loại rạp, như các dạng thức rạp mini, nên yếu tố “rạp” không có ý nghĩa đáng kể trong việc hạn chế phim nhập. Chia sẻ với ông Sơn, ông Đào Trọng Thi, đại diện Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng, khẳng định: “Để kiểm soát nội dung phim nhập khẩu thì khâu duyệt phim mới là quan trọng”. Ủy ban này để nghị bỏ điều kiện “có rạp” mà nên tăng cường hiệu quả hoạt động của hội đồng thẩm định phim.

Những năm qua, ngay cả khi áp dụng hạn ngạch, phim nhập khẩu vẫn tỏ ra lấn lướt phim nội địa tại hệ thống rạp trên khắp cả nước. Việc bỏ hạn ngạch dự báo cuộc cạnh tranh khán giả giữa phim nội và phim ngoại sẽ diễn ra căng thẳng hơn, nhưng mặt khác cũng là cơ hội để điện ảnh trong nước tiếp xúc nhiều hơn với điện ảnh nước ngoài.

Khâu
Khâu duyệt phim được đề nghị tăng cường, nhằm tránh những cảnh đi ngược lại thuần phong mỹ tục từ các phim nhập khẩu. Ảnh: Cảnh trong phim My so called love (Trung Quốc).

Yếu tố cởi mở nhất trong dự án sửa đổi Luật điện ảnh lần này thể hiện ở các quy định về thành lập doanh nghiệp sản xuất phim. Luật hiện hành không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài thành lập và quản lý doanh nghiệp sản xuất phim. Tuy nhiên, dự thảo luật cho phép hình thức đầu tư thành lập liên doanh với phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 51% vốn pháp định.

“Mở” với lĩnh vực sản xuất phim, nhưng lại “đóng” hơn với các doanh nghiệp phát hành và phổ biến phim. Từ chỗ cho phép thành lập doanh nghiệp phát hành và phổ biến phim 100% vốn nước ngoài, dự thảo luật nay giới hạn số vốn không vượt quá 51%. Vấn đề nảy sinh là hiện tại, vẫn còn 3 doanh nghiệp phổ biến phim 100% vốn nước ngoài đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Thuận – Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội – cho rằng, nếu dự luật được Quốc hội thông qua, các nhà quản lý cần có cách ứng xử công bằng và minh bạch với 3 doanh nghiệp này, nhằm tránh xung đột với các quy định pháp luật hiện có.

Đến nay, dự thảo Luật điện ảnh vẫn chưa đưa ra được những quy định về bảo hiểm cho phim và thành viên đoàn làm phim. Thực tế, tai nạn là điều dễ xảy ra đối với diễn viên và các thành viên đoàn phim trong quá trình quay. Vì vậy, Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng nhận định đây là quy định cần thiết. Trao đổi với VnExpress.net, diễn viên Johnny Trí Nguyễn – người chuyên đảm nhiệm các vai hành động mạo hiểm – cho biết: “Vì tính chất công việc, tôi thường phải ký hợp đồng lao động đối với nhà sản xuất và mua bảo hiểm từ các công ty bảo hiểm. Nếu có vấn đề gì xảy ra, việc xử lý sẽ tuân theo các quy định của pháp luật”. Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cũng chia sẻ, trước nay, chưa có quy định về bảo hiểm trong Luật điện ảnh thì những người trong ngành vẫn thực hiện theo luật dân sự. Nhưng theo anh, nếu chưa thể có quy định về bảo hiểm trong luật này, nên chăng các nhà soạn thảo cần bổ sung các điều khoản yêu cầu nhà sản xuất thực hiện nghiêm túc việc ký hợp đồng với các diễn viên, mua bảo hiểm lao động… nhằm đảm bảo quyền lợi người bị nạn một khi sự cố xảy ra.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch ghi nhận các ý kiến đóng góp và cho biết, dự luật sẽ tiếp tục được sửa đổi trước khi trình lên Quốc hội.

Hà Linh

 

Bài viết liên quan


Từ 1/4 mua máy bay riêng sẽ chịu thuế suất cao
VN phát hành 55.000 tỷ đồng trái phiếu trong 2009
Nới lỏng điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên quốc tế

Không sửa quy chế thi hoa hậu trong năm nay

Nguồn: viencanh.com Dự luật điện ảnh cởi mở hơn với yếu tố ngoại

Bình luận về bài viết này