Công ty chứng khoán rút bớt nghiệp vụ kinh doanh

Công ty chứng khoán rút bớt nghiệp vụ kinh doanhBảo lãnh phát hành, tự doanh là các nghiệp vụ bị cắt giảm ở nhiều công ty chứng khoán nhằm đáp ứng điều kiện về vốn theo quy định và được đánh giá không ảnh hưởng đến thị trường.

Nghị định số 14/2007/NĐ-CP ngày 19/01/2007 quy định, công ty chứng khoán đã được cấp giấy phép hoạt động kinh doanh nhưng không đáp ứng đủ điều kiện về vốn sẽ phải làm thủ tục tăng vốn trong thời hạn hai năm kể từ ngày Nghị định có hiệu lực.

Theo đó, một công ty chứng khoán nếu muốn hoạt động đầy đủ cả 4 nghiệp vụ: môi giới (25 tỷ đồng), tự doanh (100 tỷ đồng), bảo lãnh phát hành (165 tỷ đồng), tư vấn đầu tư (10 tỷ đồng) sẽ phải có vốn pháp định 300 tỷ đồng. Tháng 2 là hạn chót để các công ty đáp ứng yêu cầu về vốn.

Theo bà Bùi Thị Thanh Hương, Trưởng ban quản lý kinh doanh, Ủy ban chứng khoán Nhà nước, khoảng 35 công ty chứng khoán thuộc diện phải tăng vốn hoặc cắt bớt nghiệp vụ đã thực hiện gần như đầy đủ. Một số công ty đang trong quá trình hoàn tất thủ tục để trình lên SSC.

Hiện nay giải pháp huy động vốn không được lựa chọn bởi việc thực hiện cực khó, lối ra được nhiều công ty chứng khoán nghĩ đến là xin giảm bớt nghiệp vụ để phù hợp với vốn điều lệ hiện tại. “Phát hành thêm cổ phiếu lúc này không có người mua trong khi cổ đông sáng lập cũng không dám bỏ thêm vào”, Tổng giám đốc một công ty chứng khoán hiện chỉ còn mỗi nghiệp vụ môi giới với vốn điều lệ 25 tỷ đồng ở quận 1, TP HCM cho biết.

Ông cũng chia sẻ thêm, nếu tăng vốn, công ty cũng không biết sử dụng vào mục đích gì, nếu lại đi đầu tư sẽ lỗ thêm. Việc rút bớt nghiệp vụ không ảnh hưởng gì đến thị trường bởi nhu cầu hiện tại không có. Khi thị trường khởi sắc, công ty sẽ xin tăng vốn, bổ sung nghiệp vụ cũng không muộn.

Hiện các công ty chứng khoán tập trung chủ yếu vào dịch vụ môi giới, tư vấn đầu tư. Ảnh: B.H.

Bảo lãnh phát hành chứng khoán ngốn nhiều vốn nhất (165 tỷ đồng) được nhiều công ty chứng khoán chọn cắt giảm, như các công ty Tràng An, Quốc Tế, Hà Nội, Thủ Đô, SME, Quốc Gia, Việt Tín. Thị trường hiện tập trung vào hai nghiệp vụ chính: môi giới và tư vấn đầu tư, vốn cần thiết cho hai mảng này cũng chỉ có 35 tỷ đồng.

Theo ông Bùi Văn Quang, Giám đốc công ty chứng khoán SME, chi nhánh TP HCM, nghiệp vụ bảo lãnh phát hành hiện ế ẩm, không còn chiếm vị trí quan trọng trên thị trường, có cũng như không. Các đợt IPO thưa dần và đa số thất bại, cổ phần chào bán không hết, nhiều khả năng cho đến cuối năm các thương vụ IPO vẫn trong cảnh chợ chiều… cho nên SME xin rút bớt nghiệp vụ này. Hiện SME đang trong quá trình tăng vốn lên 300 tỷ đồng và duy trì 3 nghiệp vụ: môi giới, tự doanh, tư vấn đầu tư.

Công ty chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) cũng quyết định rút nghiệp vụ bảo lãnh phát hành khi thị trường hiện không có nhu cầu. Thay vào đó, VIS sẽ tấn công vào thế mạnh là môi giới, tư vấn đầu tư. Theo Tổng giám đốc Phạm Linh, nhiều doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tư vấn dù tiến độ không còn nhanh như trước do đầu ra hạn hẹp. Hoạt động tự doanh cũng là cơ hội, song ông Linh cho rằng, danh mục lựa chọn sẽ thật cẩn trọng sau khi công ty tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp, khả năng tăng trưởng…

Chứng khoán năm qua sụt hơn 60% giá trị, hoạt động tự doanh nhiều công ty chứng khoán thua lỗ. Do vậy, đây cũng là nghiệp vụ được các công ty chứng khoán chọn cắt giảm. Tuy nhiên, với khoản tự doanh còn tồn đọng, nếu buộc phải thanh lý ngay khi Ủy ban chứng khoán Nhà nước chấp thuận cho cắt giảm liệu sẽ tạo làn sóng bán tháo vẫn là nỗi lo của nhiều người.

Bà Hương chia sẻ, những công ty này trước hết sẽ đóng nghiệp vụ tự doanh, hiện tại không được mua bán gì, chờ hướng dẫn thêm của SSC. Phương án có thể tiến hành là công ty chứng khoán sẽ mở tài khoản ở nơi khác và không được tự doanh trực tiếp tại công ty, bà Hương cho biết.

Nhiều công ty chứng khoán cũng bày tỏ bức xúc khi dự thảo Quyết định 126/2008/QĐ-BTC yêu cầu công ty chứng khoán phải đóng cửa đại lý nhận lệnh trong khi đây là cánh tay nối dài của các công ty. Nhiều năm qua, hoạt động của những đại lý này đã mang lại nguồn thu cho các công ty. Có công ty đến hơn 10 đại lý nhận lệnh, chịu tốn kém chi phí đầu tư về trang thiết bị, công nghệ, nhân lực nay lại phải đóng cửa khiến nhiều công ty đứng ngồi không yên.

Bà Hương cho biết, động thái này nhằm bảo vệ lợi ích cho nhà đầu tư. Bởi lẽ, đại lý nhận lệnh chỉ có chức năng nhận và chuyển lệnh của nhà đầu tư đến công ty chứng khoán. Song, qua các đợt kiểm tra của SSC, nhiều đại lý đã vượt quá quyền hạn của một đại lý nhận lệnh, nhiều nơi nhận cả tiền của nhà đầu tư, thanh toán chi phí, cho nhà đầu tư rút tiền từ tài khoản… Công ty chứng khoán phải chịu trách nhiệm về hoạt động đại lý nhận lệnh của mình, nhưng nhiều nơi chưa thực hiện đúng nghĩa vụ. Ủy ban chứng khoán Nhà nước do vậy cần phải ngăn chặn để bảo vệ an toàn cho nhà đầu tư, lợi ích của công ty chứng khoán và tính an toàn của hệ thống.

Các đại lý nhận lệnh ra đời nhằm tạo điều kiện cho cổ đông, nhà đầu tư ở các tỉnh thành có thể giao dịch chứng khoán. Tuy nhiên, hiện nay, đã có giao dịch trực tuyến, từ xa, không sàn, mô hình đại lý nhận lệnh không còn phù hợp. Hiện nhiều nước trên thế giới cũng không còn hình thức đại lý nhận lệnh.

Hơn nữa, các công ty chứng khoán có đến 1 năm để thực hiện quy định này.

Bạch Hường

 

Bài viết liên quan


Kiểm soát báo cáo tài chính để tránh ‘sốc’ cho nhà đầu tư

‘Tháng 10 mới nên xem xét đầu tư chứng khoán’

Doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành tối đa không quá 30%
Quỹ đầu tư tự đẻ ra tài khoản

Nguồn: viencanh.com Công ty chứng khoán rút bớt nghiệp vụ kinh doanh

Bình luận về bài viết này