Ông Trương Đình Tuyển: ‘Phải bắt dùng hàng nội’

Ông Trương Đình Tuyển: 'Phải bắt dùng hàng nội'Không vi phạm các cam kết WTO, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng Chính phủ nên có chính sách khuyến khích sử dụng hàng nội, thậm chí bắt buộc sử dụng sản phẩm trong nước có chất lượng ngang bằng đồ ngoại, nhất là khi chi tiêu từ ngân sách Nhà nước.

Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển. Ảnh: Phương Anh.

Tại hội thảo bàn về phát triển thị trường nội địa diễn ra sáng 11/3 tại TP HCM, ông Tuyển, nay là thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia khẳng định: “VN chưa coi trọng đúng mức phát triển thị trường nội địa”, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm và sẵn sàng đổ bộ vào chiếm lĩnh thị trường hơn 86 triệu dân này.

Có thực tế này là vì nhiều nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan, theo ông Tuyển. Trong đó có lý do về sức ép xuất khẩu để đảm bảo ngoại tệ phục vụ nhập nguyên nhiên liệu, thiết bị và công nghệ mà trong nước chưa xuất khẩu được; tâm lý chuộng hàng ngoại còn nặng nề trong người tiêu dùng VN, thể hiện sự dị ứng với hàng nội chất lượng thấp vốn tồn tại từ thời bao cấp đến nay. Thậm chí, nhận thức của doanh nghiệp về vai trò thị trường nội địa không đầy đủ nên không tổ chức kinh doanh trên thị trường này theo một chiến lược và tư duy dài hạn mà lại chuộng kiểu cơ hội, ăn sẵn…

Trong khi đó, ở bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, ông Tuyển cho rằng thị trường nội địa trở thành cơ sở cho tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp và nền kinh tế VN. Trong 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng trung bình của tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và dịch vụ trên thị trường trong nước khoảng 23% và có xu hướng tăng cao vào những năm gần đây. Nếu trừ hệ số trượt giá thì tốc độ tăng tiêu dùng đã vượt tốc độ tăng GDP.

Năm 2008, mặc dù lạm phát cao, tốc độ tăng doanh số bán lẻ và tiêu dùng dịch vụ đến 35% với giá trị 58 tỷ USD. Riêng hai tháng đầu năm nay, suy thoái kinh tế toàn cầu trở nên nghiêm trọng hơn, hiện chưa rõ thời điểm nào sẽ đến đáy, xuất khẩu VN sụt giảm 5% so cùng kỳ năm trước, sản xuất bị thu hẹp, thu nhập dân cư giảm sút. Thế nhưng doanh thu bán lẻ và dịch vụ vẫn tăng gần 21%, tức cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng kinh tế. Tốc độ tăng giá chỉ 1,49%.

Người tiêu dùng chủ yếu mua thực phẩm tại các quầy sạp ở chợ, chưa vào siêu thị – một thị trường tiềm năng cho các nhà phân phối hiện đại. Ảnh: Quang Lân

“Điều đó chứng tỏ tiềm năng to lớn của thị trường nội địa, thương mại trong nước tạo ra giá trị trên 15% GDP và thu hút khoảng 5,4 triệu lao động, tức chiếm hơn 10% tổng lao động toàn xã hội”, vị cựu bộ trưởng thương mại nhấn mạnh. Doanh nghiệp muốn cạnh tranh được trên thị trường quốc tế thì phải cạnh tranh được trên thị trường nội địa, và bán hàng trong nước ít phụ thuộc biến động kinh tế thế giới, đó là quan điểm của ông Tuyển.

“Cạnh tranh không phải là làm ra, bán cái tốt nhất mà là tạo ra sự phù hợp. Phù hợp với khả năng doanh nghiệp, phù hợp với đối tượng khách hàng mà mình hướng tới, trên cơ sở đó tạo ra bản sắc riêng của doanh nghiệp”, dẫn ý của bậc thầy về makerting thế giới Micheal Porter, ông Tuyển nói.

Ngoài ra, theo ông vai trò của Chính phủ rất quan trọng trong chiến lược phát triển thị trường nội địa, phải coi đầu tư vào hạ tầng thương mại là yêu cầu của sự phát triển, một chính sách kích cầu. Ông Tuyển đề nghị Chính phủchính sách khuyến khích, thậm chí bắt buộc sử dụng hàng trong nước đã sản xuất được có chất lượng tương đương với hàng ngoại, nhất là trong chi tiêu từ ngân sách Nhà nước.

Giải pháp này không phải cấm hay phân biệt đối xử hàng ngoại, mà vị bộ trưởng có công đầu trong quá trình đàm phán đưa VN trở thành thành viên của Tổ chức thương mại thế giới nhấn mạnh, khuyến khích tiêu dùng hàng trong nước chỉ bảo vệ sản xuất nội địa mà không vi phạm các quy định WTO. “Hiện một số nước cũng đã áp dụng chính sách này, nhất là trong trường hợp mua sắm công, và VN chưa tham gia hiệp định mua sắm Chính phủ”, ông Tuyển nói.

Phân tích của ông Tuyển được nhiều chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp chia sẻ. Giám đốc điều hành Công ty TNS VN Ralf Matthaes cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà hãng tư vấn A.T Kearney đánh giá VN đã vượt qua Trung Quốc, Ấn Độ để trở thành thị trường bán lẻ có sức hấp dẫn nhất thế giới hiện nay. Cơ sở cho đánh giá này là do GDP VN tăng cao liên tục trong nhiều năm, dân số đông và trẻ, thị trường nội địa được mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài…

Nghiên cứu của TNS cũng cho thấy thương mại hiện đại là kênh tăng trưởng nhanh nhất ở VN (5 năm qua chi tiêu qua kênh này đã tăng gấp đôi) và sẽ thay đổi không chỉ thói quen mua sắm của người tiêu dùng mà còn tất cả các yếu tố xã hội.

Ông Phạm Quang Diệu, Giám đốc Trung tâm thông tin thuộc Viện Chính sách chiến lược (Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn) cũng công bố kết quả điều tra kênh phân phối thực phẩm trên thị trường nội địa trong năm ngoái. Trên thực tế người tiêu dùng VN vẫn mua sắm thực phẩm chủ yếu ở các quầy sạp trên chợ; điều này cho thấy kênh phân phối hiện đại của doanh nghiệp vẫn chưa rộng khắp và còn nhiều tiềm năng để phát triển cũng như thay đổi thói quen mua sắm của người dân trong nước.

Quang Lân

 

Bài viết liên quan


Kích cầu tiêu dùng vẫn bị bỏ ngỏ

‘Giá dầu giảm là lúc nhìn lại năng lực sản xuất’

Người Việt làm được những điều khiến thế giới kinh ngạc

Hoàn tất chính sách kích cầu ngay trong tháng 2

Nguồn: viencanh.com Ông Trương Đình Tuyển: ‘Phải bắt dùng hàng nội’

Bình luận về bài viết này