Dầm bê tông ‘gãy như chiếc đũa’ là do bản chất giòn

Dầm bê tông 'gãy như chiếc đũa' là do bản chất giòn“Bêtông chỉ chịu được lực kéo, nếu hai đầu cẩu nâng lên bị vênh lập tức sẽ bị sự cố. Bản chất của bêtông là rất giòn”, ông Đỗ Ngọc Dũng, Phó ban quản lý dự án Mỹ Thuận, đại diện chủ đầu tư tuyến đường tốc TP HCM – Trung Lương, nói về sự cố dầm cầu cao tốc trên sông Đệm bị sập.

Sáng nay, các cơ quan chức năng tiếp tục đến khám nghiệm hiện trường để xác định nguyên nhân dầm bị rơi và gãy đôi. Ảnh: An Nhơn.
Sáng nay, các cơ quan chức năng tiếp tục đến khám nghiệm hiện trường để xác định nguyên nhân dầm bị rơi và gãy đôi. Ảnh: An Nhơn.

Trả lời VnExpress.net, ông Dũng khẳng định rằng, vụ việc là do rủi ro và đây hoàn toàn là tai nạn lao động chứ không phải sai sót do bản vẽ hay lún xảy ra trong quá trình thi công.

Về câu hỏi khối bêtông nặng 70 tấn, khi chỉ rơi độ cao hơn chục mét mà dễ dàng “gãy đôi như chiếc đũa”, ông Dũng cho biết, sau khi đưa dầm bị gãy lên, sẽ có cơ quan giám định lại chất lượng bêtông. “Bản chất của bêtông là rất giòn. Bêtông chỉ chịu lực kéo, nếu hai đầu cẩu nâng lên bị vênh, lập tức sẽ bị sự cố. Không chỉ kéo mà chỉ cần dầm đi trên xe và rơi xuống sẽ bị gãy ngay”, ông Dũng khẳng định.

Cũng theo đại diện chủ đầu tư, dầm bêtông được sản xuất tại hiện trường. Khối bêtông này liên quan đến cả công trình nên sau khi đưa dầm lên và cắt ra, sẽ có cơ quan giám định lại chất lượng bêtông. “Chắc chắn công trình như thế này khi hoàn thành sẽ có cơ quan chức nặng thử tải. Trong quá trình thử tải sẽ bao gồm giám định lại toàn bộ chất lượng cầu”, ông Dũng thông tin.

Về tiến độ công trình, ông Dũng cho biết, dù xảy ra sự cố nhưng tiến độ công trình vẫn phải đảm tiến độ hoàn thành vào tháng 6/2009. “Chúng tôi đang lập phương án dọn dẹp hiện trường. Vừa khắc phục hiện trường, vừa thi công. Tiến độ là quan trọng”.

Sáng nay, đại diện chủ đầu tư, đơn vị thi công Thăng Long cùng các cơ quan chức năng nhà nước, trong đó có ông Đặng Trung Thành, Cục phó cục quản lý xây dựng của Bộ giao thông, đã tiến hành khám nghiệm hiện trường vụ sập dầm chợ Đệm xảy ra chiều 10/3.

Theo đơn vị thi công, chiều nay, có khoảng 20 công nhân sẽ khoan cắt, thu dọn hiện trường và sáng mai, sà lan sẽ giúp sức cẩu hai khúc dầm gãy lên, đồng thời cẩu cả dầm bị cong ra để thay cái khác vào nhằm đảm tiến độ công trình.

Về mức hỗ trợ hai công nhân bị nạn, ông Dũng cho biết, đơn vị thi công sẽ lo toàn bộ chi phí cho công nhân đã tử vong và tập trung cứu sống công nhân đang nằm viện. “Chúng tôi đã mua vé máy bay cho gia đình vào nhận thi thể. Công nhân này đã làm đây gần 3 năm với nghề kích kéo, vận hành và nâng hạ các thiết bị của công trình. Hiện mức hỗ trợ chưa có thể nói bao nhiêu nhưng đơn vị thi công sẽ lo toàn bộ chi phí”.

Dầm bị gãy vẫn nằm dưới sông chờ được vớt lên. Ảnh: An Nhơn.
Dầm rơi rồi gãy đôi là do bản chất bêtông giòn?. Ảnh: An Nhơn.

Sự cố xảy ra làm tuyến đường thủy nội địa qua sông Đệm bị gián đoạn hoàn toàn. Các tàu thuyền từ các tỉnh miền Tây lên TP HCM và ngược lại, bị chặn ở hai đầu, và chuyển sang lưu thông ở đường kênh nước mặn, sông Cần Giuộc vào bến Phú Định.

Ông Lê Hải Sơn – Trạm trưởng trạm quản lý đường Thuỷ nội địa Phú An – đoạn quản lý đường thuỷ nội đại số 10 cho biết, hằng ngày đoạn sông chợ Đệm có khoảng 150 tàu lớn qua khu vực này, chưa kể các tàu thuyền nhỏ. “Đây là sự cố nghiêm trọng không khác gì sự cố sập cầu Bình Điền vào năm 1998. Việc giao thông qua sông chợ Đệm sẽ tạm ngưng đến khi nào công tác khám nghiệm điều tra kết thúc”, ông Sơn nói.

An Nhơn

 

Bài viết liên quan


Sập dầm cầu là do công nhân sơ suất

Sập dầm cầu vượt đường cao tốc Trung Lương

Công nhân vụ sập dầm cầu đường cao tốc tử vong

Hiện trường vụ sập cầu đường cao tốc

Nguồn: viencanh.com Dầm bê tông ‘gãy như chiếc đũa’ là do bản chất giòn

Bình luận về bài viết này