Dự phòng giá chứng khoán: Mỗi nơi một cách hiểu

Trích lập dự phòng tài chính giúp nhà đầu tư nhìn chính xác tình hình tài chính của doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường suy giảm, nhưng cách hiểu khác nhau khiến mỗi doanh nghiệp làm một kiểu.

Sự khác nhau trong việc trích lập dự phòng các khoản đầu tư tài chính tại nhiều công ty niêm yết là do cách hiểu không nhất quán Thông tư 13. Thông tư này quy định, chứng khoán được giao dịch tự do trên thị trường mới được trích lập dự phòng giảm giá. Đối với chứng khoán niêm yết thì đã rõ khái niệm “tự do”, nhưng với chứng khoán chưa niêm yết thì rất mù mờ.

Mặt khác, đối với chứng khoán OTC, điều kiện để trích lập là giá trị thị trường nhỏ hơn giá trị ghi sổ. Các cổ phiếu này lại không có thị trường chính thức nên khó xác định giá thị trường là bao nhiêu.

Cơ quan thuế các tỉnh, thành phố cũng có cách hiểu khác nhau về giao dịch chứng khoán tự do. Có nơi hiểu thị trường OTC là trao đổi tự do nên phải được trích lập. Có nơi lại cho rằng, OTC không phải tự do nên nếu trích lập sẽ bị gạt ra, thậm chí bị xử phạt.

Phó tổng giám đốc một công ty chứng khoán có vốn đầu tư nước ngoài cho biết, trong trường hợp không xác định được giá chứng khoán OTC để thực hiện trích lập dự phòng, công ty ông yêu cầu doanh nghiệp tìm thông tin giá chứng khoán lập dự phòng.

Bản thân công ty ra thị trường xem bảng giá và đối chiếu lại, với nhiều loại cổ phiếu không có giá nên không có cơ sở để lập dự phòng. Trong trường hợp không có giá như thế, theo thông lệ, trong bản thuyết minh báo cáo tài chính, doanh nghiệp phải nêu rõ những cổ phiếu chưa niêm yết không xác định được giá chính xác.

Ông Bùi Văn Mai, Tổng thư ký Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam (VACPA) cũng cho rằng, doanh nghiệp niêm yết cần nói rõ trong báo cáo thuyết minh về cách thức trích lập. Về nguyên tắc, doanh nghiệp phải trích lập dự phòng các khoản đầu tư chứng khoán bị giảm giá.

Nhưng trên thực tế, tính toán có nhiều cách do có thông tin bổ sung, phán đoán tình hình cụ thể. Đối với các loại cổ phiếu OTC không xác định được giá, việc trích lập hoàn toàn do nhận định của chủ doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn có thể trích lập dự phòng khi không xác định được giá chính xác. Ví dụ, đối với trích lập dự phòng hàng tồn kho thì có thể tính giá hàng hóa tương đương trên thị trường. Đối với cổ phiếu OTC thì so sánh với một doanh nghiệp tương tự đã niêm yết.

Ông Mai nhấn mạnh, điều quan trọng là khi tính toán, doanh nghiệp phải giải trình cơ sở của việc tính toán để thuyết phục người đọc báo cáo tài chính, bởi cùng với một mức dự phòng, có người nói là an toàn, nhưng cũng có người cho là thấp quá hoặc cao quá.

(Theo Đầu tư Chứng khoán)

 

Bài viết liên quan

Đề xuất Vietcombank và Vietinbank lên sàn chứng khoán Giá vàng mất 500.000 đồng một lượng trong hai ngày
Kiểm soát báo cáo tài chính để tránh ‘sốc’ cho nhà đầu tư

‘Để tiền đẻ ra tiền thì không nên dồn vào một giỏ’

Nguồn: viencanh.com Dự phòng giá chứng khoán: Mỗi nơi một cách hiểu

Bình luận về bài viết này