Thống đốc có quyền chỉ định sáp nhập, hợp nhất ngân hàng

(VienCanh.Com) Những trường hợp làm ăn yếu kém, có nguy cơ đổ vỡ, ảnh hưởng dây chuyền tới toàn hệ thống mà không tự nguyện sáp nhập, hợp nhất có thể phải thực hiện theo chỉ định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước đang trưng cầu ý kiến về dự thảo thông tư sáp nhập, hợp nhất tổ chức tín dụng, trong đó mở rộng phạm vi áp dụng với tất cả các loại hình cổ phần, quốc doanh, liên doanh và 100% vốn nước ngoài. Trước đây, chỉ có các ngân hàng cổ phần mới thuộc diện sắp xếp lại nếu hoạt động yếu kém.

 

Sáp nhập là hình thức một hoặc một số tổ chức tín dụng sáp nhập vào một tổ chức tín dụng khác bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang tổ chức tín dụng nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của tổ chức tín dụng bị sáp nhập.

 

Hợp nhất là hình thức hai hoặc một số tổ chức tín dụng hợp nhất thành một tổ chức tín dụng mới bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang tổ chức tín dụng hợp nhất, đồng thời chấm dứt tồn tại của các tổ chức tín dụng bị hợp nhất.

 

(Trích Dự thảo thông tư sáp nhập, hợp nhất tổ chức tín dụng)

 

Theo lý giải của Ngân hàng Nhà nước, liên kết sáp nhập, hợp nhất các định chế tài chính để hình thành những định chế hoặc những tổ hợp tài chính lớn hơn đang là xu hướng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Hơn nữa, sáp nhập, hợp nhất sẽ giúp hình thành những tổ chức tín dụng có quy mô hoạt động lớn hơn, hoạt động an toàn, hiệu quả và cũng có thể là cách thức để xử lý những trường hợp yếu kém, không đủ mức vốn pháp định.

 

Theo dự thảo thông tư mới công bố, sẽ có hai trường hợp sáp nhập, hợp nhất là tự nguyện và theo chỉ định. Trong trường hợp tự nguyện, các chủ sở hữu ngân hàng có quyền quyết định sáp nhập, hợp nhất cho phù hợp với mục tiêu phát triển và nguyện vọng của mình.

 

Nếu một tổ chức tín dụng nào đó rơi vào tình trạng yếu kém, có nguy cơ đổ vỡ, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống mà không thực hiện sáp nhập, hợp nhất theo phương thức tự nguyện, có thể phải thực hiện theo chỉ định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Trong trường hợp này, Ngân hàng Nhà nước sẽ xây dựng phương án đối với từng trường hợp cụ thể để trình Thủ tướng chấp thuận trước khi thực hiện. Theo Ngân hàng Nhà nước, hoạt động của các tổ chức tín dụng có tính nhạy cảm cao và lan truyền, một tổ chức đổ vỡ có thể ảnh hưởng đến hoạt động của toàn hệ thống.

 

Để hạn chế các giao dịch nội gián do những cá nhân có liên quan biết trước thông tin từ việc sáp nhập, hợp nhất, dự thảo thông tư cũng quy định một số trường hợp bắt buộc tạm ngừng chuyển nhượng vốn góp như thành viên hội đồng quản trị, thành viên ban kiểm soát, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc. Thời gian tạm ngừng chuyển nhượng vốn góp bắt đầu từ ngày tổ chức tín dụng trình Ngân hàng Nhà nước chấp thuận nguyên tắc việc sáp nhập, hợp nhất và kết thúc sau 30 ngày kể từ ngày bố cáo về việc sáp nhập, hợp nhất. Nếu kế hoạch sắp xếp bị từ chối, thời gian tạm ngừng chuyển nhượng vốn góp sẽ kết thúc ngay sau khi có văn bản của Ngân hàng Nhà nước.

 

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định 241/1998 về sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng cổ phần Việt Nam. Tuy nhiên, quy chế này chỉ áp dụng cho tổ chức tín dụng cổ phần và theo Ngân hàng Nhà nước, hiện đã có nhiều bất cập. Việc soạn thảo thông tư mới sẽ kế thừa Quy chế 241 và chỉnh sửa, bổ sung các nội dung mới phù hợp với thực tế, nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc sáp nhập, hợp nhất của mọi loại hình tổ chức tín dụng.

 

Song Linh

 

Bài viết liên quan

Ngân hàng Nhà nước phủ nhận tin đồn tăng giá USD Khuyến khích ngân hàng đẩy vốn ra nền kinh tế
Giải ngân hàng chục nghìn tỷ đồng vốn vay kích cầu

Mở rộng cửa bảo lãnh vốn vay cho doanh nghiệp

Nguồn: viencanh.com Thống đốc có quyền chỉ định sáp nhập, hợp nhất ngân hàng

Bình luận về bài viết này