Sony đưa người ngoại quốc lên làm Chủ tịch

(VienCanh.Com) Người Nhật Bản, với lòng trung thành tuyệt đối, thường khó đưa ra quyết định sa thải những ai thân cận mình. Vậy mà hôm cuối tuần, lần đầu tiên Sony đưa người Mỹ lên giữ chức Chủ tịch, hy vọng ông này sẽ có những cải tổ to lớn, đưa Sony thoát khỏi vũng lầy.

Vị Chủ tịch ngoại quốc đầu tiên của Sony. Ảnh: Bloomberg

Sony đưa ra tuyên bố CEO Howard Stringer sẽ thay thế ông Rỵoji Chubachi để kiêm thêm chức Chủ tịch, đồng thời thay ông Chubachi quản lý bộ phận hàng điện tử, khi doanh số toàn cầu của PlayStation 3 và tivi Bravia đã xuống thấp tới mức kỷ lục.

Ông Stringer, 67 tuổi, sẽ nhậm chức kể từ ngày 1/4. Còn ông Chubachi, 61 tuổi, xuống cấp với chức Phó chủ tịch, đảm nhận các khâu an toàn chất lượng sản phẩm và các vấn đề về môi trường. Ngoài ra, ông vẫn được giữ lại trong hội đồng với vai trò đại diện và trợ lý cho CEO.

Chân dung Chủ tịch sắp xuống cấp, ông Ryoji Chubachi. Ảnh: Dailylife

“Chúng tôi hy vọng thế hệ lãnh đạo tiếp theo sẽ giúp Sony chuyển đổi thành một tập đoàn năng động hơn, thích ứng hơn với tình hình kinh tế thế giới”, đại diện Sony nói.

Sự thay đổi này diễn ra khi dự báo cho thấy tổn thất trong năm tài chính 2008 kết thúc vào tháng 3 tới có thể lên đến con số kỷ lục là 260 tỷ yen, tương đương với 2,7 tỷ USD. Đồng yen đang tăng giá mạnh và doanh số toàn cầu của Sony đang tiếp tục giảm.

Stringer trở thành người nước ngoài đầu tiên nắm giữ vị trí Chủ tịch Sony. Ông gia nhập nhà sản xuất đồ điện tử này vào tháng 5/1997. Trước đó, ông đảm nhận qua các vị trí Chủ tịch hãng tin CBS của Mỹ, CEO công ty công nghệ truyền thông TELE-TV.

Ông Yuuki Sakurai, Giám đốc tài chính và kế hoạch đầu tư của Công ty bảo hiểm Fukoku Mutual Life lý giải nguyên nhân Sony chọn ông Stringer, một người ngoại quốc: “Người Nhật Bản thường khó đưa ra quyết định với những người thân cận trong hoàn cảnh khó khăn. Là người nước ngoài và có khái niệm lòng trung thành khác với người Nhật, ông Stringer sẽ làm tốt những công việc cải tổ to lớn mà Sony đang cần”.

Theo dự báo của Bloomberg, công ty này sẽ còn hoạt động không có lãi đến tận cuối năm sau, khi nhu cầu đồ điện tử, máy tính và điện thoại đang giảm trên toàn cầu. Stringer nhận định: “Đây là cơn suy thoái tồi tệ nhất trong thế hệ chúng ta. Tuy nhiên trong lúc nguy khốn chúng ta vẫn có thể tìm thấy cơ hội”.

Các công ty khác của Nhật Bản như Toyota, Honda đều đã ra tuyên bố thay chủ tịch khi đứng trước tình thế khó khăn của kinh tế tài chính toàn cầu.

Thanh Bình (theo Xinhua, Bloomberg)

 

Bài viết liên quan


Nhiều người Nhật mất nhà ra công viên ở

Porsche – nhà sản xuất ôtô hay ‘bầy thú điện tử’?

Kiểm soát báo cáo tài chính để tránh ‘sốc’ cho nhà đầu tư

Tự tử tăng cao tại châu Á do suy thoái kinh tế

Nguồn: viencanh.com Sony đưa người ngoại quốc lên làm Chủ tịch

Bình luận về bài viết này