‘Tăng trưởng chất lượng mới nhanh và bền vững’

(VienCanh.Com) Là một chuyên gia kinh tế, đã từng tham gia nghiên cứu, hoạch định quan điểm, chính sách đổi mới ngay từ thời kỳ đầu, Nguyên trưởng ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ – Trần Đức Nguyên nói về những thách thức của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

– Về tình hình kinh tế Việt Nam trong năm vừa qua, theo quan điểm của ông, vấn đề nổi cộm nhất là gì?

Trong một năm qua, chúng ta đã nói nhiều đến kiềm chế lạm phát, tiếp đến là ngăn chặn suy giảm kinh tế. Tất cả những vấn đề đó đã được bàn nhiều trong các cuộc họp và trên báo chí. Tôi chỉ nói một vấn đề thôi, đó là qua những giai đoạn khó khăn như hiện giờ, chúng ta có thể và cần nhận diện rõ hơn những điểm yếu của nền kinh tế, mà việc khắc phục nó vừa góp phần giải quyết khó khăn trước mắt, vừa tạo điều kiện cho bước phát triển mạnh và bền vững về sau.

– Những điểm yếu này là gì? Có phải đó là ba nút thắt cổ chai, về kết cấu hạ tầng, về nguồn nhân lực, về thể chế và quản lý nhà nước như người ta vẫn thường nói?

– Ba nút thắt cần phải tháo gỡ này có phần thuộc về trình độ phát triển còn thấp của nước ta trong quá trình chuyển sang kinh tế thị trường. Tôi muốn nói tới chỗ yếu cơ bản hơn trong hoạt động kinh tế và trong công tác quản lý nhà nước, đã được nêu thành bài học trong báo cáo của Thủ tướng Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội cuối năm ngoái. Đó là nền kinh tế nước ta tăng trưởng liên tục với tốc độ khả quan, nhưng kém chất lượng, thể hiện ở đầu tư kém hiệu quả, sử dụng lao động và năng suất lao động thấp, chi phí ngày càng tăng, nên giá trị gia tăng ít đi, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, sức cạnh tranh kém, môi trường và chất lượng cuộc sống giảm sút. Thực tế cho thấy, tăng trưởng kém chất lượng chẳng những gây hệ quả xấu đối với xã hội và môi trường, đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô, mà còn kìm hãm ngay cả tốc độ tăng trưởng.

Có thể thấy rõ điều này khi phân tích hiệu quả đầu tư. Tổng đầu tư toàn xã hội của VN so với GDP thuộc loại cao nhất thế giới, trong những năm 2001-2006 là 39,6%, tương đương với Trung Quốc, còn năm 2007 là 45,6%. Nếu hệ số ICOR (chỉ tiêu tổng hợp cho thấy để tăng thêm một đồng GDP, cần đầu tư mấy đồng) của nước ta ngang với hệ số của Trung Quốc trong những năm 2001-2006, ta đã có thể đạt tốc độ tăng GDP khoảng 10% một năm. Chúng ta tăng trưởng dựa vào đầu tư là chính, mà nhà đầu tư, kể cả chủ đầu tư lớn cũng chỉ có một phần là vốn tự có, còn lại là đi vay. Khuyến khích đầu tư thì phải cho vay, nên tín dụng đầu tư tăng vọt. Đầu tư đưa vào chu chuyển kinh tế một khối lượng lớn vốn và chi phí nhưng do kém hiệu quả, không làm tăng tương ứng sản phẩm và dịch vụ nên dẫn tới lạm phát. Nguyên nhân sâu xa của lạm phát phải nhìn ở chỗ tăng trưởng kém chất lượng, mà điển hình là đầu tư kém hiệu quả.

Vốn đầu tư từ nước ngoài vào VN năm 2008 tăng kỷ lục. Ảnh: Hoàng Hà.

– Có ý kiến cho rằng, mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào đầu tư là phù hợp với đặc điểm của một nền kinh tế phát triển theo chiều rộng như của Việt Nam. Nên hiểu vấn đề này như thế nào?

– Nói cho chính xác thì không một nền kinh tế nào chỉ phát triển theo chiều rộng hoặc hoàn toàn theo chiều sâu. Các nước mới phát triển trong thời gian đầu khó tránh khỏi dựa nhiều vào các yếu tố theo chiều rộng. Điều đáng nói là mô hình tăng trưởng của Việt Nam chủ yếu là theo chiều rộng và diễn ra trong nhiều năm qua, dựa nhiều vào tăng đầu tư, khai thác tài nguyên và sức lao động rẻ, chưa chú trọng và chưa đạt được tiến bộ rõ nét về trình độ công nghệ và quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả (được gọi là các yếu tố phát triển theo chiều sâu). Điều này được Thủ tướng nhấn mạnh trong thông điệp đầu năm 2009 này.

– Đây không phải là lần đầu tiên câu chuyện đầu tư kém hiệu quả được nhắc tới, nhưng hình như lâu nay, chúng ta vẫn thiếu những đánh giá, phân tích một cách chính xác, sâu sắc về hiệu quả của đầu tư?

– Hiệu quả thấp chủ yếu là ở đầu tư công, bao gồm đầu tư từ nguồn vốn ngân sách, từ vốn tín dụng nhà nước (trái phiếu Chính phủ và vốn hỗ trợ phát triển của nước ngoài), và đầu tư của các doanh nghiệp Nhà nước. Không ai không thừa nhận tầm quan trọng của đầu tư công trong phát triển kinh tế – xã hội. Nhưng đầu tư công của ta có mấy yếu tố làm cho hiệu quả rất thấp.

Thứ nhất, chủ trương đầu tư có chỗ sai, thể hiện ở một số công trình làm xong, không sử dụng, hoặc chỉ sử dụng ở mức rất thấp. Từ khi chúng ta thực hiện phân cấp đầu tư mạnh thì lại càng khó kiểm soát; địa phương nào cũng muốn đầu tư nhiều, trong khi chúng ta thiếu quy hoạch đúng tầm cho cả nước và từng vùng, hệ thống thể chế và đội ngũ cán bộ còn bất cập. Một ví dụ dễ thấy là sự phát triển quá nhiều sân bay, cảng biển mà hệ số khai thác phần lớn là thấp.

Thứ hai, hầu hết các công trình đều kéo dài, mà đã kéo dài thì thường là tăng chi phí, giảm hiệu quả. Trước đây, ta có những công trình làm xong trước thời hạn; chẳng hạn, đường dây 500 KV hoàn thành sớm được 2 năm, đó là một kỳ tích, góp phần làm cho tình hình cung cấp điện trong cả nước được cải thiện rõ rệt. Bây giờ tìm công trình nào làm đúng thời hạn cũng hiếm, vì hầu hết các dự án đầu tư đều kéo dài. Thêm vào đó, chất lượng xây dựng thấp, phải tốn thêm tiền để sửa chữa, thậm chí phải phá đi làm lại. Cầu Văn Thánh (TP HCM) là ví dụ điển hình. Chi phí sửa chữa này cũng được tính một phần vào GDP, trong khi nó không làm tăng thêm sản phẩm và dịch vụ cho nền kinh tế.

Thứ ba, là tham nhũng. Nhiều người nói đầu tư công như là “chùm khế ngọt” cho cả A và B; tuy không đánh giá được cụ thể mức độ nhưng ai cũng thấy là những hành vi đục khoét vốn đầu tư diễn ra khá phổ biến và nghiêm trọng.

(Theo Đầu Tư)

Bài viết liên quan


‘Kinh tế năm nay khó khăn hơn 2008’

Người Việt làm được những điều khiến thế giới kinh ngạc

Những kỳ vọng của năm 2009

Vết nứt ở hầm Thủ Thiêm tiếp tục phát triển

Nguồn: viencanh.com ‘Tăng trưởng chất lượng mới nhanh và bền vững’

Bình luận về bài viết này