Sếp ăn Tết muộn

(VienCanh.Com) Trong lúc nhà nhà chuẩn bị đón giờ phút thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và mới, thì nhiều người vẫn tất bật với công việc, chấp nhận ăn Tết muộn để mang lại niềm vui cho cộng đồng. Họ là nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hay người giữ vị trí quan trọng trong công ty.

Ngày 25/2, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sẽ cho ra lò sản phẩm dầu “made in Vietnam” đầu tiên nên trong những ngày Tết, hơn 1.300 cán bộ, chuyên gia, kỹ sư của 16 nhà thầu và Ban quản lý dự án vẫn làm việc ngày đêm tại công trường. Còn nhiều phần việc phải hoàn thành từ nghiệm thu các gói thầu EPC 1+4, 2+3 đến việc tiếp nhận 80.000 tấn dầu thô vào cuối tháng 1 và đầu tháng 2/2009 từ phao rót dầu không bến…

Giám đốc công trường thuộc Tổ hợp nhà thầu Technip – Bruno Le Roy cho VnExpress.net hay: “Năm nay tôi đón Giao thừa cùng vợ tại công trường bên cạnh đội ngũ kỹ sư, công nhân cùng với máy móc, thiết bị, bể chứa dầu. Tôi mong muốn các công việc diễn ra đúng tiến độ để sớm trở về Pháp cùng với gia đình và các con”.

Đây là năm thứ hai ông Bruno Le Roy đón Tết tại công trường nhà máy giữa ngổn ngang sắt thép, vôi vữa, ống dẫn dầu chằng chịt trên công trường có diện tích rộng bằng 200 sân bóng đá. Cùng nâng ly rượu mừng năm mới, cán bộ công nhân viên cùng nắm tay hát bài “Happy New Year” và quyết tâm hoàn thành các công việc sớm hơn tiến độ được giao.

Những ngày ở VN đối với ông Bruno gắn liền với nhiều kỷ niệm về thiên nhiên và con người. “Ở Quảng Ngãi tôi cảm nhận được thế nào là cái nắng đến thiêu đốt, cái mưa dầm dề kéo dài cả tháng trời, nhưng đi đâu, tôi cũng nhận được nụ cười lạc quan của các bạn. Tôi đi nhiều nơi trên thế giới và biết nhiều thứ tiếng, vậy mà đến VN, tôi học mãi mà chẳng thể nào nói được tiếng Việt. Đúng là “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp VN”, ông Bruno chia sẻ với VnExpress.net.

Không giấu giếm nỗi nhớ nhung người vợ hiền và con nhỏ ở quê nhà song Giám đốc phụ trách kỹ thuật của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất Nguyễn Hoài Giang vẫn cho rằng còn nhiều việc phải làm trước giờ G – khi Nhà máy khởi động và cho ra dòng dầu đầu tiên. “Tết ở công trường cũng có cái thú vị riêng, giữa ngổn ngang những máy móc, thiệt bị mọi người vẫn cười nói râm ran, cùng cụng ly và chờ đợi những lời chúc của những người thân yêu nhất qua tin nhắn…”, ông nói.

Dù là ai, đi đâu, hay làm gì, những ngày cuối năm đều có mong muốn nhanh chóng thu xếp công việc để về sum họp gia đình. Tuy nhiên, với không ít ông chủ doanh nghiệp làm lĩnh vực dịch vụ, với họ dường như Tết năm nào cũng đến muộn. Năm nay, nhu cầu tin nhắn di động và điện thoại chúc Tết được dự báo sẽ tăng khoảng 30-40% so với năm ngoái nên dù đã chuẩn bị một dung lượng lớn gấp đôi bình thường song các hãng viễn thông vẫn không tránh khỏi mối lo nghẽn mạng cục bộ.

Để đảm bảo cho đường truyền được thông suốt, các lãnh đạo và nhân viên ngành dịch vụ viễn thông vào thời điểm Giao thừa vẫn phải căng mình trước hệ thống tổng đài, máy tính… theo dõi chất lượng mạng. “Chưa năm nào, chúng tôi được đón giao thừa cùng với người thân”, một phó giám đốc phụ trách kỹ thuật của VinaPhone cho biết.

Lo nghẽn mạch di động, những ngày giáp Tết, từ giám đốc phụ trách kỹ thuật đến các nhân viên trực tổng đài của VinaPhone đều đối mặt với hàng núi công việc, nào là bố trí xe lưu động, xử lý sự cố, phân luồng thuê bao… nhằm giảm tối đa các sự cố để khách hàng được đón cái Tết vui vẻ với những lời chúc tốt lành.

Theo Giám đốc MobiFone Lê Ngọc Minh, những ngày Tết, năm nào cũng vậy, đúng giờ khắc giao thừa, lời chúc năm mới của Chủ tịch nước vừa kết thúc cũng là lúc nhu cầu gửi tin nhắn hoặc gọi điện tăng lên đột biến. Do vậy, những nhân viên chuyên phụ trách kỹ thuật không được phép vắng mặt. Họ chỉ kịp cùng nhau cụng ly và chúc một năm mới bình yên, rồi quay về với công việc. “Năm nào tôi cũng đón giao thừa cùng anh em tại công ty, bên hệ thống mạng. Khi hệ thống báo mạng lưới an toàn, liên lạc thông suốt cũng là lúc chúng tôi thở phào và cùng nâng ly chúc mừng năm mới. Hạnh phúc không gì bằng”, ông Minh chia sẻ.

Năm nay, để giảm sự cố nghẽn mạch đầu năm, Viettel cũng lắp thêm 3.000 trạm BTS, nâng tổng số trạm thu phát lên con số 14.000 trạm. Lắp đặp mới 23 tổng đài đủ đáp ứng thêm 10 triệu thuê bao mới. Phó giám đốc Viettel Telecom – Tào Đức Thắng cho hay toàn bộ đội ngũ kỹ thuật cũng như lãnh đạo đều sẽ có mặt ở công ty lúc Giao thừa để kiểm soát hệ thống và chất lượng dịch vụ. “Chúng tôi sẽ cố gắng hạn chế đến mức tối đa nhất sự cố rớt mạch có thể xảy ra”, ông nói.

Với những sếp làm trong lĩnh vực vận tải hàng không, hay du lịch thì hầu như năm nào Tết đến với họ cũng muộn màng. Chuyến bay cuối cùng của năm 2008 của Vietnam Airlines cất cánh lúc 21h30 từ TP HCM và hạ cánh xuống sân bay Nội Bài lúc 23h50 đúng vào khoảnh khắc Giao thừa. Trong thời điểm này các lãnh đạo chủ trốt phụ trách khâu kỹ thuật phục vụ mặt đất đều được phân công nhau trực 24/24 giờ. “Cán bộ của chúng tôi đón giao thừa cùng hành khách tại nhà ga và rồi lại tất bật chuẩn bị cho chuyến bay mở đầu năm mới vào lúc 5h55 phút từ TP HCM đi Phú Quốc và Hải Phòng. Làm dịch vụ mà, khi mọi người quây quần cùng gia đình đón Tết thì cũng là lúc chúng tôi bận rộn nhất”, một quan chức của Vietnam Airlines cho biết.

Hồng Anh

Bài viết liên quan


‘Giá dầu giảm là lúc nhìn lại năng lực sản xuất’
Mẻ xăng dầu made in Việt Nam đầu tiên chuẩn bị ra lò Tạm giam nguyên lãnh đạo Ngân hàng NN&PTNT chi nhánh Chợ Lớn
Hà Nội đêm đón mừng năm mới

Nguồn: viencanh.com Sếp ăn Tết muộn

Bình luận về bài viết này