Nữ phi công 8X

(VienCanh.Com) Ngày 6/11/2008, Đoàn bay 919 thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đón thêm những thành viên đặc biệt: Nguyễn Thị Thanh Thủy và Nguyễn Ly Hương – hai nữ phi công quốc tịch Việt Nam đầu tiên thuộc thế hệ 8X.

Hai nữ phi công quốc tịch Việt Nam đầu tiên thuộc thế hệ 8X đã mang đến cho Vietnam Airlines một sức sống mới. Họ vừa tốt nghiệp Học viện Hàng không Montpellier (Cộng hòa Pháp). Hai bông hồng “bay” này sẽ gia nhập tổ bay lái máy bay ATR hai động cơ tuốc-bin cánh quạt hoạt động trên những đường bay ngắn.

Thêm một chút son làm “mềm” cả cockpit (khoang lái) của chiếc ATR72 – 500, Ly Hương bắt đầu những thao tác chuẩn bị cuối cùng trước khi ra hiệu cho cơ trưởng đẩy mạnh cần lái, bơm nhiên liệu tràn vào hai động cơ Pratt và Whitney 127F. Hai cánh quạt 6 lá quay tít. Máy bay băng nhanh trên đường băng, rồi cất mình lao lên trời xanh, bắt đầu hành trình bay dài 45 phút từ Sân bay Tân Sơn Nhất tới Sân bay Phú Quốc.

Thanh Thủy và Ly Hương trong ngày tốt nghiệp học viện Hàng không Montpellier (Pháp). Ảnh: Đầu Tư.

“Ngay cả khi tiếng ù ù đều đều của tuốc-bin cánh quạt vang bên tai, báo hiệu máy bay đã đạt độ cao an toàn, có thể chuyển sang chế độ auto – pilot (bay tự động), em vẫn chưa hết cảm giác lâng lâng. Một cảm giác rất khác biệt so với chuyến bay đầu tiên trên máy bay hạng nhẹ 4 chỗ và cả lần bay đầu trên trên chiếc ATR72 huấn luyện tại Pháp. Đơn giản đây là lần đầu tiên em bay với tư cách phi công trên chính quê hương mình. Tiếc một nỗi là không có bố mẹ, người thân bay cùng”, Ly Hương kể về chuyến bay đầu cho Vietnam Airlines của mình hôm 4/12/2008.

Sớm hơn một ngày (3/12/2008), Thanh Thủy, người bạn cùng tốt nghiệp khóa đào tạo tại Học viện Hàng không Pháp với Ly Hương cũng đã có chuyến bay ra mắt trên chặng bay Tân Sơn Nhất – Buôn Mê Thuột.

Nếu không được giới thiệu trước, thật khó có thể hình dung hai cô gái nhỏ nhắn, đầy nữ tính, đang ngồi khá bẽn lẽn giữa các nam phi công to cao, lừng lững trong căng-tin của Đoàn bay 919 là những nữ phi công thương mại chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam. Mặc dầu vậy, cả Ly Hương và Thanh Thủy đều đạt các tiêu chuẩn “5 sao” về thể lực, trình độ, tâm lý, độ nhạy cảm và sự quyết đoán. Họ đã lần lượt vượt qua những bài kiểm tra về thể lực (trong đó có những cú quay ly tâm để kiểm tra tiền đình, từng làm “đo ván” cả ngàn thí sinh nam to cao, khỏe như voi), tiếng Anh chuyên ngành, kiến thức hàng không, phản xạ, tư duy lô-gic để giải quyết những tình huống khẩn cấp, kỹ năng bay…

“Không hề có sự phân biệt giới tính trong tuyển chọn và đào tạo phi công tại Việt Nam và cả trên thế giới. Định mệnh của hàng trăm con người và khối tài sản có thể lên tới cả trăm triệu đôla Mỹ phải được trao cho những phi công có tư chất nhất, mà không có bất kỳ sự châm chước nào. Cũng phải nói thêm rằng, trong nghề bay cũng không có sự phân biệt về trình độ, mức lương giữa phi công lái chiếc ATR72 nhỏ với phi công lái chiếc Boeing 777 khổng lồ”, Phó đoàn trưởng Đoàn bay 919 và cũng là cơ trưởng Boeing 777 Nguyễn Hồng Lĩnh khẳng định.

Thuộc thế hệ đầu 8X, trước khi nộp đơn dự tuyển vào khóa đào tạo phi công năm 2006 do Vietnam Airlines tổ chức, Ly Hương (quê ở Lào Cai) vừa tốt nghiệp Đại học Giao thông – Vận tải chuyên ngành quy hoạch đô thị; còn Thanh Thủy (quê ở Hà Nội) đã có được tấm bằng cử nhân Đại học Kinh tế quốc dân. Thêm 3 năm huấn luyện gian khổ nữa tại Trung tâm Huấn luyện bay (Việt Nam) và khóa đào tạo chuyên ngành tại Học viện Hàng không Montpellier (Pháp), với tấm bằng tốt nghiệp phi công thương mại, Ly Hương và Thanh Thủy chính thức làm việc cho Vietnam Airlines. Công việc hiện tại của hai phi công nữ này là bay tích lũy (bay dưới quyền chỉ đạo, giám sát của các phi công có kinh nghiệm) trên các chặng bay ngắn ở phía Nam như: TP HCM – Phú Quốc; TP HCM – Buôn Mê Thuột; Buôn Mê Thuột – Đà Nẵng…

“Phải thêm mất 3 – 6 tháng bay tích lũy, hai em mới chính thức trở thành cơ phó của tổ bay ATR và phải mất khoảng 3.000 giờ bay và chứng tỏ được mình có tư chất lãnh đạo, đủ khả năng ra những “decision making” (những quyết định cực kỳ nhạy bén, chính xác trong những tình huống khẩn cấp), các em mới được trao vị trí ghế lái bên trái dành cho các cơ trưởng”, ông Lĩnh cho biết.

Bay bằng niềm đam mê

Một cuộc khảo sát gần đây về những nghề có sức hấp dẫn nhất trong xã hội do trang (salary.com) thực hiện, phi công là nghề đứng thứ ba sau ngành thiết kế thời trang và bác sĩ phẫu thuật. Nhưng dù lương cao, được tận hưởng cảm giác phóng khoáng, tự do…, cũng không che lấp được một thực tế rất nghiệt ngã: phi công là nghề vất vả và nhiều rủi ro bậc nhất.

“Giới trong nghề chúng tôi thường có câu: bác sĩ, kỹ sư có mảnh bằng tốt nghiệp là có thể hành nghề kiếm cơm tới chết, nhưng phi công thì không. Kể cả khi đã có bằng lái, tất cả phi công thương mại phải vượt qua các kỳ thi kiểm tra kiến thức, kiểm tra sức khỏe, tâm lý định kỳ 6 tháng một lần diễn ra suốt cuộc đời bay. Điều này cho thấy, phi công có tuổi thọ nghề không cao. Khó khăn thứ hai là họ phải thường xuyên sống trái quy luật, bay qua nhiều vùng, miền khác nhau trên thế giới, với giờ giấc và thời tiết thay đổi liên tục và tiếp xúc nhiều với sóng điện từ trong buồng lái. Đó những yếu tố khiến nhiều người cho rằng, phi công không phải là nghề dành cho nữ giới, đặc biệt là phụ nữ Á đông vốn ngại thay đổi, trọng cuộc sống gia đình”, ông Lĩnh lý giải về việc tỷ lệ phi công nữ của Đoàn bay 919 hiện ở mức rất thấp: 7/400.

Cách đây 10 năm, Vietnam Airlines đã từng sử dụng nữ phi công và trước khi nhận thêm hai nữ phi công mới, Đoàn bay 919 cũng chỉ có năm nữ phi công. Nhưng tất cả họ đều là những phi công ngoại quốc, đến từ Bolivia, Australia, Philippines, Anh, Mỹ. Chính vì vậy, việc đón nhận hai nữ phi công Việt Nam về Đoàn là sự kiện lớn của Vietnam Airlines. Đây là những “sản phẩm” đầu tiên sau hơn 4 năm Vietnam Airlines chính thức “mở cánh cửa” tuyển chọn, đào tạo phi công cho nữ giới. Không chỉ có thêm nhân lực có ưu thế về kỷ luật, sự nhẫn nại, tính kiên trì…, thành công bước đầu của hai em Ly Hương và Thanh Thủy đã minh chứng rằng, nếu có ý chí, sự tự tin, phụ nữ Việt Nam có thể đảm đương bất cứ công việc, vị trí nào trong xã hội.

“Em có cảm nhận được sự vất vả của nghề bay không à? Có chứ!”, Thanh Thủy rắn rỏi trả lời câu hỏi của báo giới. “Nhưng có hề gì, bởi bọn em đều bay với tất cả niềm đam mê. Ước mơ lớn nhất của cả hai bây giờ là mong sớm trở thành cơ trưởng giỏi để trước mỗi chuyến bay được nghe tiếp viên cất lời chào quen thuộc: Cơ trưởng Ly Hương/Thanh Thủy xin cảm ơn quý khách đã lựa chọn chuyến bay của Vietnam Airlines và chúc quý khách một chuyến bay an toàn”.

(Theo Đầu Tư)

Bài viết liên quan


Hơn 6 kg vàng vô chủ trên máy bay Vietnam Airlines

Vinh danh phi hành đoàn trên chuyến bay thần kỳ

Bốn thập kỷ cánh bay khổng lồ Boeing 747
Nhiều chuyến bay của Jetstar Pacific bị hoãn vì sự cố

Nguồn: viencanh.com Nữ phi công 8X

Bình luận về bài viết này