Những kỳ vọng của năm 2009

(VienCanh.Com) Sáu yếu tố được coi là điểm sáng có thể ảnh hưởng tích cực tới sự phát triển của nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam năm 2009. Tiến sĩ Đinh Văn Ân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương chia sẻ những kỳ vọng của mình nhân dịp đầu năm.

Trong năm 2008, nền kinh tế nước ta đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức xuất phát từ những tác động khách quan, bên ngoài cũng như nguyên nhân chủ quan, nội tại. Những tháng đầu năm, lạm phát và lãi suất ngân hàng tăng cao, nhập siêu lớn, thị trường chứng khoán tuột dốc, thị trường bất động sản đóng băng, đời sống của người dân bị suy giảm. Những tháng cuối năm, đã có dấu hiệu suy giảm sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, cộng thêm tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Năm 2009, để vững niềm tin, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội đã đề ra, chúng ta cần nhận thức đúng những yếu tố thuận lợi, được xem như những điểm sáng có thể ảnh hưởng tích cực tới sự phát triển của nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam.

Năm 2008, ngành sản xuất gặp khó khăn vì giá nhiên liệu đầu vào tăng cao. Ảnh: Hoàng Hà.

Thứ nhất, các nước nhóm G20 mới đây đã họp và ra tuyên bố về khủng hoảng tài chính toàn cầu và các giải pháp ứng phó. Chính phủ các nước đang nỗ lực hết sức để ổn định tình hình tài chính và thúc đẩy nền kinh tế quốc gia. Nhiều gói cứu trợ nền kinh tế có quy mô lớn chưa từng có đã và đang được đưa ra và sự phối hợp giữa các nước trong việc cùng giải quyết khủng hoảng tài chính toàn cầu được tăng cường. Những nỗ lực trên, nếu thành công sẽ sớm chấm dứt thời kỳ suy thoái và kinh tế thế giới sẽ bước vào giai đoạn phục hồi, tăng trưởng, có thể là vào cuối năm 2009. Mặt khác, quy mô nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ bé, hội nhập kinh tế và tài chính chưa sâu, gần 73% dân số sống ở nông thôn, 97% doanh nghiệp là nhỏ và vừa, trong đó 57% doanh nghiệp chỉ có số lao động dưới 10 người, 77% doanh nghiệp có mức vốn dưới 5 tỷ đồng.

Thứ hai, trong điều kiện kinh tế toàn cầu suy thoái, sức mua trên thị trường xuất khẩu giảm sút, việc kích thích nhu cầu trong nước có vai trò hết sức quan trọng đối với việc tăng tổng cầu và tăng trưởng của nền kinh tế.

Trong năm 2008, mặc dù có những bất ổn kinh tế vĩ mô, nhưng Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường đầu tư hấp dẫn thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ; tăng trưởng đầu tư luôn cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2007. Tăng trưởng mạnh mẽ, nhu cầu đầu tư chủ yếu là từ khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với mức tăng trưởng 44,2%, cao hơn rất nhiều so với mức tăng trưởng 13,9% cùng kỳ năm 2007. Theo kết quả báo cáo điều tra cảm nhận môi trường kinh doanh năm 2008, mặc dù các doanh nghiệp đánh giá môi trường kinh doanh năm 2008 kém thuận lợi hơn so với các năm trước, nhưng vẫn lạc quan và tin tưởng vào khả năng nước ta sẽ vượt qua các khó khăn, thách thức và bình ổn kinh tế vĩ mô. Tỷ lệ lớn doanh nghiệp đầu tư nước ngoài được khảo sát cho biết có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam trong những năm tới. Đây là tín hiệu lạc quan để chúng ta hy vọng năm 2009 sức cầu đầu tư của nước ta vẫn lớn, nhờ đó góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế trong năm 2009 và tạo thêm năng lực sản xuất mới cho các năm tiếp theo.

Bên cạnh nhu cầu đầu tư nước ngoài, gói giải pháp kích cầu được Chính phủ công bố gần đây hy vọng cũng sẽ có tác động tích cực tới đầu tư của các doanh nghiệp trong nước và hỗ trợ sức mua của nhân dân. Hơn nữa, nếu việc lựa chọn đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ gói kích cầu được thực hiện đúng đắn, nhiều dự án đầu tư lớn có ý nghĩa đối với phát triển kinh tế sẽ sớm đi vào hoạt động, cải thiện đáng kể năng lực sản xuất của nền kinh tế và nhiều vấn đề xã hội bức xúc sẽ được giải quyết.

Thứ ba, môi trường kinh doanh – đầu tư tiếp tục được cải thiện; tinh thần kinh doanh của người dân và doanh nghiệp vẫn được giữ vững và phát huy. Năm 2008, trong bối cảnh bất ổn kinh tế vĩ mô, điều kiện sản xuất, kinh doanh khó khăn hơn, nhưng số doanh nghiệp đăng ký mới ước tính tăng khoảng 27%; và tổng vốn đăng ký tăng khoảng gần 30% so với năm 2007. Tính chung lại, cho đến nay, có khoảng 270.000 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm khoảng 77% số doanh nghiệp đăng ký.

Thứ tư, những kết quả tích cực đạt được trong điều hành kinh tế vĩ mô thời gian qua tạo dư địa quan trọng cho Chính phủ thực hiện các giải pháp khuyến khích tăng trưởng, đồng thời vẫn đảm bảo bình ổn kinh tế vĩ mô. Lạm phát ở nước ta bắt đầu giảm từ tháng 7/2008 và thậm chí là âm trong những tháng gần đây, giảm đáng kể sức ép lạm phát trong điều hành kinh tế vĩ mô. Tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện, thậm chí đã có dấu hiệu dư thừa vốn khả dụng, lãi suất huy động và cho vay đã giảm xuống mức thấp, tăng trưởng tín dụng dưới mức kiểm soát, nhập siêu liên tục giảm là những yếu tố thuận lợi giúp tăng cung ứng tín dụng cho sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thứ năm, sự hợp tác giữa Chính phủ, các hiệp hội, ngân hàng và doanh nghiệp được tăng cường trong thời gian qua tạo đà cho sự hợp tác cùng vượt qua khó khăn trong năm 2009. Trong năm 2008, những khó khăn của doanh nghiệp, cả các doanh nghiệp lớn và các doanh nghiệp nhỏ và vừa, luôn được phản ánh kịp thời thông qua các nghiên cứu, hội thảo và các phương tiện truyền thông với vai trò tiên phong là các hiệp hội. Trên cơ sở đó, Chính phủ đưa ra những quyết sách kịp thời. Sự hợp tác giữa ngân hàng và doanh nghiệp cũng được nâng lên khi ngành ngân hàng đã có những cuộc đối thoại cởi mở và có các biện pháp, cơ chế xử lý ngay những vướng mắc của doanh nghiệp. Các ngân hàng thương mại cũng đã chủ động xây dựng các chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thứ sáu, năng lực điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ đã được cải thiện đáng kể. Trong năm 2008, Chính phủ đã liên tục có những điều chỉnh mục tiêu phát triển kinh tế và các gói giải pháp chính sách phát triển kinh tế một cách linh hoạt, nhằm phản ứng kịp thời trước những biến động khó lường về kinh tế. Kết quả đạt được không chỉ là hiệu quả tích cực của các chính sách đưa ra đối với nền kinh tế, mà còn nâng cao năng lực điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

2009 được dự báo sẽ là năm khó khăn đối với kinh tế toàn cầu cũng như nước ta. Tuy nhiên, những khó khăn đó có thể được giảm bớt và vượt qua, nếu chính sách đưa ra luôn kịp thời và mạnh mẽ trước những diễn biến của thị trường, xử lý những thách thức đối với hệ thống tài chính, nền kinh tế thực, xây dựng lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng.

(Theo Đầu Tư)

Bài viết liên quan


‘Kinh tế năm nay khó khăn hơn 2008’

‘Sẽ không có suy thoái ở Việt Nam’
Đề xuất Vietcombank và Vietinbank lên sàn chứng khoán
Nhà băng hàng đầu Nhật Bản lỗ nặng

Nguồn: viencanh.com Những kỳ vọng của năm 2009

Bình luận về bài viết này