Kinh tế VN 2008 qua con mắt người nước ngoài

(VienCanh.Com) Doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đối mặt với giá cả tăng trong khi những hợp đồng giảm dần. Còn với giới chuyên gia, 2008 là năm đáng nhớ bởi những biến động trong và ngoài dự đoán mà nền kinh tế trải qua. Dưới đây là những cảm nhận họ chia sẻ với VnExpress.net.

Ông Mytting Sigmund, quốc tịch Na Uy, kỹ sư đóng tàu tại Vinashin: Trong cả năm 2008, tôi đọc được nhiều thông tin nói về kinh tế Việt Nam trên báo chí trong nước và quốc tế. Tôi đã ở Việt Nam 5 năm và nhìn chung bức tranh kinh tế có nhiều màu xám hơn những năm trước. Khi tới các chợ hay siêu thị, trong năm tôi chưa thấy rõ tác động của kinh tế đến thói quen mua sắm của người dân, nhưng đến cơ quan thấy mọi người bàn tán nhiều về giá cả.

Đến cuối năm, tôi mới nhận thấy không khí mua sắm không được như năm trước. Một số hợp đồng của chúng tôi cũng bị đối tác quốc tế trì hoãn. Nhưng có một điều ở người Việt Nam tôi thấy rất khác biệt so với những nước Đông Nam Á khác mà tôi đã làm việc, đó là sự lạc quan. Nhiều người nói đến những khó khăn kinh tế, nhưng họ luôn kỳ vọng vào những điều tốt hơn trong năm sau, thậm chí trong tháng sau. Tôi nghĩ đây là một dấu hiệu tốt.

Ông Marko Hoehnisch, Tổng giám đốc 2M International Trading: Trong năm qua, tôi không thấy quá nhiều biến động so với những năm trước, hoạt động của doanh nghiệp chỗ tôi cũng không chịu nhiều nhiều tác động. Nhưng vấn đề của những năm trước, như hạ tầng yếu, giá cả tăng nhanh vẫn cần được khắc phục.

Ông Shogo Ishii. Ảnh: N.C.

Ông Shogo Ishii, Trợ lý giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF): Kinh tế Việt Nam trải qua năm 2008 đầy biến động, và sẽ tiếp tục có một năm khó khăn ở phía trước. Việt Nam sẽ tăng trưởng trong năm tới, có điều chậm đi nhiều so với các năm trước, bởi các dòng vốn đầu tư đều ít đi, xuất khẩu cũng giảm. Việc kinh tế tăng trưởng chậm lại sẽ tác động mạnh đến các doanh nghiệp trong nước và hệ thống ngân hàng.

Tôi cho rằng trong những tháng đầu năm 2008, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã làm đúng khi thắt chặt chính sách tiền tệ để giảm lạm phát, và đến những tháng cuối năm đã nới lỏng dần. Nhưng việc nới lỏng cũng nên được làm một cách thận trọng, bởi nếu làm quá nhanh sẽ tạo áp lực lên tỷ giá. Việt Nam cần chú trọng đến các khoản đầu tư có hiệu quả và hỗ trợ những người dân chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến động kinh tế. Tôi cho rằng năm 2009 sẽ tiếp tục có nhiều thử thách, và các khó khăn mới chỉ bắt đầu.

Ông Ayumi Konishi. Ảnh: N.C.

Ông Ayumi Konishi, Giám đốc quốc gia, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam: 2008 thực sự là một năm nhiều thử thách đối với Việt Nam. Nền kinh tế đã đối mặt với nhiều khó khăn nghiêm trọng ngay từ đầu năm, như lạm phát, thâm hụt thương mại tăng cao, tiền đồng chịu áp lực giảm giá trong 6 tháng đầu năm. Đến nửa năm sau, thị trường quốc tế lại xấu đi, khiến tăng trưởng chậm lại tác động đến nền kinh tế, và làm đời sống của nhiều người dân gặp khó khăn.

Chính phủ Việt Nam đã có phản ứng tương đối phù hợp với tình hình, và giải quyết được một số khó khăn. Hiện họ cũng đi đúng hướng để giải quyết những vấn đề còn lại. Nhưng tôi cho rằng, Việt Nam cần kiểm soát tốt việc vay vốn và đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Cùng với đó là định kỳ cung cấp dữ liệu về kinh tế cho người dân, để ngăn chặn các tin đồn, sự hoảng sợ của người dân và những phản ứng mang tính phong trào như đã xảy ra trong năm 2008.

Ngọc Châu

Bài viết liên quan


150 tập đoàn xuyên quốc gia sắp tới Việt Nam

Người Việt làm được những điều khiến thế giới kinh ngạc

Việt Nam thúc đẩy hút vốn FDI từ Thụy Sĩ

‘Kích cầu đạt hiệu quả 80% là tốt rồi’

Nguồn: viencanh.com Kinh tế VN 2008 qua con mắt người nước ngoài

Bình luận về bài viết này