Kiều bào ‘đụng’ suy thoái kinh tế

(VienCanh.Com) Bị cơn bão suy thoái kinh tế toàn cầu cuốn lấy, bà Nguyễn Thị Thu Hương (Việt kiều Mỹ) phải đảo lộn kế hoạch đầu tư về nước, chấp nhận thử thách ở thị trường VN thêm 2- 3 năm thay vì chịu lỗ vốn trong năm rưỡi như dự tính.

Gặp VnExpress.net những ngày cuối năm, bà Hương kể lại hành trình về nước thăm dò thị trường giải trí game thể thao để mở dịch vụ mới theo hình thức nhượng quyền thương hiệu của Mỹ, với rất nhiều kỳ vọng. Câu lạc bộ Exergaming của bà được manh nha từ năm 2007, song vướng phải vấn đề mặt bằng và bản quyền nên phải đến quý II/2008 mới chính thức ra đời tại khu đô thị Phú Mỹ Hưng, TP HCM.

Theo kế hoạch, mô hình câu lạc bộ này sẽ được “bung” tại nhiều khu dân cư sầm uất để quảng bá và đẩy mạnh mạng lưới kinh doanh. Song, do suy thoái kinh tế lan ra tại Mỹ, công ty nhượng quyền trò chơi này cũng gặp một số trục trặc, kinh tế Việt Nam biến động khiến nữ kiều bào này không dám mạnh tay mở chuỗi câu lạc bộ Exergaming rộng khắp Sài Gòn như dự tính ban đầu.

“Nguồn vốn gia đình rót về từ Mỹ không còn dồi dào, tình hình khó khăn khiến người dân dè xẻn chi tiêu cũng làm tôi rất băn khoăn và cân nhắc khi mở rộng mạng lưới kinh doanh”, bà chia sẻ.

Hiện có 2 câu lạc bộ Exergaming tại Phú Mỹ Hưng và Nhà thiếu nhi quận 5, T PHCM, bà Hương cho hay dù tình hình hết sức khó khăn nhưng gia đình bà vẫn không từ bỏ ý muốn kinh doanh tại quê nhà. “Tôi vẫn nỗ lực tìm kiếm những vị trí an ninh ở Sài Gòn để chuẩn bị mặt bằng, tiếp tục tuyển thêm người và cập nhật các trò game thể thao vận động nhằm trụ lại Việt Nam chờ kinh tế hồi phục”, bà nói.

Chủ tịch HĐND TP HCM Phạm Phương Thảo tặng hoa và bằng khen cho những kiều bào có nhiều đóng góp đối với thành phố trong năm 2008. Ảnh: V.L.

Cũng đồng cảm với bà Hương, ông Vũ Văn Thành, một kiều bào Đức đã có thâm niên đầu tư tại Việt Nam hơn 10 năm nay phân tích, tình hình chung doanh nhân kiều bào đang đứng trước rất nhiều sức ép vì vốn đột ngột bị cắt giảm, mức tiêu thụ sản phẩm thấp mà các chi phí đầu vào vẫn tăng. Theo ông Thành, công ty non trẻ của kiều bào phải vật lộn và xoay sở trăm bề mới mong tồn tại trong ngắn hạn, còn khó khăn hơn cả doanh nghiệp bản xứ. Bởi lẽ, theo ông Thành, ở xứ người mà lâm vào cảnh tay trắng, nợ nần thì không còn biết trông cậy vào ai.

Ông cũng nhắc đến tình hình khốn đốn của kiều bào tại Đức trước cơn khủng hoảng bị các hãng xưởng sa thải, phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp. Nỗi khổ của bà con người Việt tại Đức, theo ông Thành, là vấn đề nhà ở vì đa số người Việt Nam sống tại nước Đông Âu này đều phải thuê nhà với chi phí chiếm 30% thu nhập chính.

Trong buổi họp mặt kiều bào TP HCM cuối năm 2008 cuối tuần qua, nhiều Việt kiều Mỹ trở về quê hương cho hay, ngay cả lực lượng lao động trí thức như kỹ sư ở Mỹ cũng phải đứng trước bờ vực phải nghỉ hưu sớm vì suy thoái kinh tế. Những người hưu trí diện này rất khó tìm được việc làm mới để trang trải cuộc sống trong khi gánh nặng tài chính với ngân hàng, chi phí điện, nước, gas, xăng, bảo trợ người thân vẫn phải đảm đương là bài toán nan giải.

Một kiều bào ở bang Californha cho hay, cơn lốc suy thoái trước tiên đánh vào doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài. Hiện nay nhiều công ty của kiều bào tại các tiểu bang Mỹ không hình dung ra đường đi nước bước trong vòng 12 tháng tới và buộc phải cắt giảm tuyệt đối các chi phí đầu vào. Vì lý do này, người lao động phổ thông làm trong các nhà máy phải vượt khó gấp đôi, thậm chí gấp ba bốn lần giới trí thức vì đối tượng này đa phần đều ở nhà thuê, thu nhập thấp, có thể bị vô gia cư giữa mùa đông trước cơn đại dịch cắt giảm lao động đang hoành hành mà không hề có lương hưu.

Mặc dù đang đứng trước khó khăn và không thể lường trước những rủi ro trong tương lai, không ít doanh nhân Việt kiều vẫn kỳ vọng sau khi vượt xong chướng ngại vật trong năm 2009, nền kinh tế sẽ thiết lập quỹ đạo bình ổn và phát triển bền vững hơn.

Thậm chí một số doanh nghịệp còn cho rằng, giá bất động sản, cổ phiếu và chi phí thuê mặt bằng tại Mỹ, Việt Nam và các nước châu Âu đang giảm nhiệt là thời điểm vàng cho những ai biết nắm bắt cơ hội giành lấy thị phần để chiếm lĩnh thị trường.

Vũ Lê

Bài viết liên quan


‘Kinh tế năm nay khó khăn hơn 2008’

Giá thấp, chất lượng cao – chìa khóa vượt khủng hoảng

‘Sẽ không có suy thoái ở Việt Nam’
Khủng hoảng tại Mỹ chưa phải là tồi tệ nhất

Nguồn: viencanh.com Kiều bào ‘đụng’ suy thoái kinh tế

Bình luận về bài viết này